
Đường hầm của Máy gia tốc tròn tương lai (FCC) và Máy gia tốc hạt lớn (LHC) hiện tại ở Geneva. Ảnh: AFP
Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) hôm 31/3 cho biết, một phân tích chi tiết đã chỉ ra, không có trở ngại kỹ thuật nào với việc chế tạo Máy gia tốc tròn tương lai (FCC) khổng lồ. Dự án 17 tỷ USD này gây nhiều tranh cãi, dù Malika Meddahi, phó giám đốc máy gia tốc và công nghệ của CERN, từng nhấn mạnh các lợi ích như phục vụ nghiên cứu về chụp ảnh y khoa và điều trị ung thư.
Sau khi phân tích khoảng 100 kịch bản khác nhau, CERN công bố kết quả của nghiên cứu kéo dài nhiều năm cho lựa chọn ưu tiên của họ: một đường hầm vòng tròn dài gần 91 km nằm giữa biên giới Pháp - Thụy Sĩ. Với độ sâu trung bình 200 m, đường hầm này sẽ chứa một máy gia tốc hạt dài hơn gấp ba lần so với Máy gia tốc hạt lớn (LHC) hiện tại của CERN, hiện giữ danh hiệu máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới.
LHC - nằm trong đường hầm tròn dài 27 km ở độ sâu khoảng 100 m dưới lòng đất - được sử dụng để chứng minh sự tồn tại của hạt Higgs boson. Còn gọi là "hạt của Chúa", phát hiện đoạt giải Nobel này giúp mở rộng hiểu biết của con người về cách các hạt nhận khối lượng. LHC dự kiến hoàn thành sứ mệnh vào năm 2041, do đó, CERN đã phân tích các lựa chọn để giới khoa học có thể tiếp tục nghiên cứu.
Dự án FCC rất cần thiết cho việc giúp châu Âu duy trì vị thế dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực vật lý cơ bản, theo giám đốc CERN Fabiola Gianotti. Bà cảnh báo rằng "có sự cạnh tranh thực sự" từ Trung Quốc, khẳng định dự án FCC "đang đi đúng hướng" và kêu gọi các quốc gia giải phóng nguồn tài trợ cần thiết để dự án tiến triển.
"Để đạt được tiến bộ lớn trong việc tìm hiểu nguồn gốc vũ trụ và vai trò của hạt boson Higgs, cộng đồng khoa học toàn cầu cần một cỗ máy mạnh mẽ và đầy tiềm năng như FCC", Catherine Biscarat, chuyên gia tại phòng thí nghiệm L2IT thuộc Đại học Toulouse, nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hào hứng với dự án quy mô này. Các quốc gia thành viên của CERN - 23 nước châu Âu và Israel - cần quyết định liệu có giải phóng nguồn tài trợ cần thiết không vào năm 2028. Đức, quốc gia đóng góp lớn nhất cho CERN, năm ngoái đã bày tỏ lo ngại về số tiền khổng lồ của dự án.
Một số người dân địa phương phản đối FCC bởi tác động mà dự án có thể gây ra với cuộc sống và sinh kế của họ. Dự án cũng nhận những ý kiến trái chiều trong giới khoa học. "Chi phí tài chính, sinh thái và vận hành vô cùng lớn. Sẽ tốt hơn nếu tài trợ cho những dự án khoa học nhỏ hơn", nhà vật lý Olivier Cepas từ Viện Neel thuộc Đại học Grenoble nói.
Kỹ sư dự án FCC, Jean-Paul Burnet, khẳng định rằng FCC đã được cải thiện để giảm tác động môi trường, ví dụ như giảm số lượng giếng và các địa điểm bề mặt. Nhưng các tổ chức môi trường trong khu vực chưa cảm thấy thuyết phục. Trong một báo cáo, tổ chức Noe21 đánh giá FCC là "quá mức", phê phán việc tiêu thụ lượng điện khổng lồ cũng như tác động khí hậu, chi phí và quy mô của dự án.
Thu Thảo (Theo AFP)