VNE-Island-1743502717-3665-1743502757.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VwgZO6D0XeOUWvPEHV5CeA

Rắn hổ lục đầu giáo vàng chuyên săn chim di cư. Ảnh: Quora

Ngoài khơi Brazil, cách São Paulo hơn 96 km có một hòn đảo được ví như địa ngục bởi đây là ngôi nhà của một số loài rắn độc nhất thế giới. Để bảo vệ an toàn của cả con người và động vật, việc tiếp cận Đảo Rắn (Ilha da Queimada Grande) bị kiểm soát bởi Hải quân Brazil. Bảo vệ những cư dân bò sát trên đảo vô cùng cần thiết bởi dù mang nọc độc nguy hiểm, loài rắn đông đúc nhất sống ở đó trên thực tế cực kỳ nguy cấp, theo IFL Science.

Rắn hổ lục đầu giáo vàng (Bothrops insularis) là một loài rắn hổ trong họ Rắn lục, cùng với rắn hổ mang cá và rắn đuôi chuông. Một nhát cắn từ rắn hổ lục đầu giáo vàng chứa nọc độc hại máu, phát tác nhanh chóng và có thể hạ gục con mồi nhỏ như chim trong vòng vài phút. Nọc độc hại máu nhắm vào hệ tuần hoàn, tạo ra cục máu đông, xuất huyết và nhiều biến chứng khác. Tuy nhiên, dù nguy hiểm chết người, nọc độc hại máu thực chất là một thành phần thiết yếu sử dụng trong thuốc tim mạch, điều trị chống đông máu và trong chẩn đoán. Do có hiệu lực đặc biệt, nọc độc của rắn hổ lục đầu giáo vàng trên Đảo Rắn đặc biệt có giá trị.

Dù nhiều loài rắn đầu giáo khác được tìm thấy trên đất liền ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, rắn hổ lục đầu giáo vàng chỉ phân bố duy nhất trên Đảo Rắn. Quá trình tiến hóa của loài này được cho là diễn ra như kết quả khi hòn đảo tách khỏi đất liền Brazil vào cuối kỷ Băng hà cuối cùng, cách ly chúng với lượng động vật săn mồi và con mồi dồi dào. Trải qua hơn 11.000 năm, những con rắn thích nghi với môi trường trên đảo, trở thành loài rắn đầu giáo sống trên cây duy nhất và phát triển nọc độc mạnh gấp 3 - 5 lần so với các loài ở đất liền, giúp chúng bắt chim chóc bay nhanh tốt hơn.

Trong số 41 loài chim tìm thấy trên đảo, chế độ ăn của rắn hổ lục đầu giáo vàng chủ yếu bao gồm hai loài chim di cư là chim elaenia Chile (Elaenia chilensis) đến vào cuối hè và chim hoét chân vàng (Turdus flavipes) đến vào mùa đông. Trong số 430.000 m2 đất có sẵn trên Đảo Rắn, rắn hổ lục đầu giáo vàng chỉ tập trung ở 255.000 m2 rừng cây rậm rạp. Trong khi rắn hổ lục đầu giáo vàng là loài đông đúc và nguy hiểm nhất trên đảo, có một số loài rắn khác sinh sống tại đây với số lượng nhỏ hơn như rắn ăn ốc sên Sauvage (Dipsas albifrons).

Đảo Rắn hiện nay không có người ở vĩnh viễn, dù vậy có một ngọn đèn hải đăng ở sống núi trung tâm trên đảo. Ngọn đèn hải đăng này từng là nơi ở của gia đình một người canh giữ từ năm 1909 đến những năm 1920. Một số báo cáo cho biết cả gia đình gặp tai nạn khi rắn hổ lục đầu giáo vàng mò vào qua cửa sổ. Mỗi năm chỉ có một số nhà nghiên cứu được phép lên đảo nhưng chưa có trường hợp tử vong nào được ghi nhận, một phần do quy định bảo vệ nghiêm ngặt của Brazil.

An Khang (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022