Ông Võ Tòng Xuân sinh năm 1940 tại An Giang. Ông qua đời lúc hơn 7 h ngày 19/8 tại một bệnh viện ở TP HCM. Ông được biết đến là chuyên gia hàng đầu, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu về nông nghiệp, là chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam. Dưới đây là một số thành tựu nổi bật của ông:

Nghiên cứu và phát triển giống lúa: Giáo sư Võ Tòng Xuân được xem là "cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ông là người có nhiều đóng góp phổ biến các giống Thần Nông, IR36, IR33, IR64, MTL30 phổ biến khắp các tỉnh miền Tây.

Ông trở thành nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng VinFuture năm 2023 với đóng góp trong việc phổ biến giống IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến. Trong dịp nhận giải ông chia sẻ: "Muốn làm sao để người nông dân Việt Nam giàu hơn. Đi nước này nước kia, tôi thấy sao người nông dân người ta giàu quá vậy, mà người nông dân nước mình tại sao lại nghèo thế. Cần làm sao để người nông dân trồng lúa Việt Nam có thu nhập cao lên. Từ đó tôi xác định mục tiêu để học, nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề". Những giống lúa ông tạo ra cũng với mục tiêu chi phí giảm, ít sâu bệnh, năng suất cao và người dân có thể yên tâm gắn bó với đồng ruộng.

vo-tong-xuan-1703088600-1922-1-1305-8906-1724038581.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QDryrmfpKosLhQArXxFDpA

GS. TS Võ Tòng Xuân (phải) và Giáo sư Gurdev Singh Khush trong ngày nhận giải thưởng VinFuture năm 2023. Ảnh:Giang Huy

Phát triển các giống lúa thơm, chất lượng cao: Ông đã tham gia vào quá trình nghiên cứu và phát triển các giống lúa thơm. Trong đó có thể kể đến giống lúa ST 24, ST 25 mà "cha đẻ" các giống lúa này chính là kỹ sư Hồ Quang Cua - học trò của GS Võ Tòng Xuân.

Giải quyết vấn đề đất phèn: Ông đã có những nghiên cứu sâu rộng về việc sử dụng đất phèn. Trong số này có thể kể đến nghiên cứu sử dụng đất phèn Đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện từ 1980 - 1992. Nghiên cứu góp phần đưa ra các giải pháp hiệu quả để cải tạo đất phèn, nâng cao năng suất cây trồng. Ông cũng có nhiều nghiên cứu hệ thống canh tác chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ năm 1990.

Đào tạo nhân tài: Từng chia sẻ với VnExpress khi ra Hà Nội nhận giải năm 2023, ông cho biết năm 1976, một năm sau khi lấy bằng "bác sĩ nông học" ở Nhật Bản (tương đương với tiến sĩ), ông về nước với mong muốn đào tạo đội ngũ kỹ sư nông nghiệp tại trường Đại học Cần Thơ. Kết quả, đã có hàng nghìn sinh viên được ông truyền kiến thức.

GS-Vo-Tong-Xuan-9-5902-1703117-8295-3036-1724036604.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Gs7HHqk28sOADUwBOrSUDQ

Nhà giáo nhân dân, GS.TS Võ Tòng Xuân. Ảnh:Văn Lưu

Gọi GS Võ Tòng Xuân là "thầy" GS.TS Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long cho hay, "rất buồn và hụt hẫng" khi nghe tin ông qua đời.

Bà mô tả giáo sư Xuân là người thầy truyền lửa tiếp bước công việc dạy học, nghiên cứu. Ông là tấm gương nhiều thế hệ học trò khi cống hiến cho đất nước về nền nông nghiệp. Dù chưa từng được học, song với GS Lang vốn là đàn em học tập tại Viện nghiên cứu giống lúa quốc tế (IRRI), Philippines, GS Xuân luôn là người thầy, người anh đã tạo cơ hội để tiếp bước nghiên cứu.

Bà kể, những năm tháng cuối đời GS Xuân vẫn gắng sức làm việc. Đó là tháng 7/2023, ông gọi điện mời GS Lang xuống Vĩnh Long để giúp sức về mô hình lúa cá rô phi. Ông đề xuất mô hình lúa và cá rô phi, phù hợp cho người nông dân và đưa vào kế hoạch dự án chung tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Bà kể giáo sư Xuân rất nhiệt tình với các dự án, thời điểm ông nằm viện tại Singapore bà gọi điện xin ý kiến về dự án trong chương trình hợp tác. "Thầy nói với tôi, Lang ơi thầy yếu quá, có thể thầy không tiếp nối nổi. Các em hãy cố gắng giúp cho Cần Thơ". Bà xúc động nghẹn ngào đáp: không chỉ Cần Thơ, còn Đồng bằng Sông Cửu Long và cả Việt Nam nữa cũng sẽ góp sức cố gắng.

GS-Nguyen-Thi-Lang-4087-1724042857.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jDnHsAFlnzWcx6nEwUzJpg

GS Nguyễn Thị Lang cùng GS Võ Tòng Xuân (hàng đầu) trong một lần đi đánh giá giống lúa chịu mặn phục vụ cho Đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 2/2020. Ảnh: NQ

Đến đầu 2024, tức khoảng hai năm sau khi GS Xuân được bác sĩ Viện Tim TP HCM cứu thoát nguy kịch sau cơn nhồi máu cơ tim, xuất huyết tiêu hóa, GS Lang gặp lại ông tại UBND TP Cần Thơ. Bà kể lúc đó ông phát biểu nhưng giọng và hơi thở yếu. "Chúng tôi khuyên thầy đừng làm việc quá sức, nhưng thầy đáp đã đỡ hơn chút nên sẽ ráng tiếp tục để hoạt động dự án với các em", GS Lang kể.

GS Lang bảo những đóng góp với quê hương, về nông nghiệp đều có công lao của GS Xuân. Bà kể câu chuyện gắn với GS Xuân là những hợp tác quốc tế và bằng mọi cách để truyền lửa. Có thời điểm khi ở bên Tây Phi, ông gọi điện cho GS Lang nhờ giúp tạo một số giống lúa đưa qua Tây Phi để giúp đỡ người dân. Không ngần ngại, bà gửi 10 giống lúa của Việt Nam sang và hiện phát triển mạnh.

"Khi tôi đi dự hội nghị quốc tế, nhiều nhà khoa học nước ngoài đều hỏi tôi có biết thầy Xuân không", bà nói danh tiếng của GS Xuân lan tỏa ra quốc tế và rất được trân trọng.

Bà nói thêm, GS Xuân rất chú trọng đào tạo thế hệ trẻ kế cận. Khi ông còn làm Hiệu trưởng Đại học An Giang đã mời GS Lang xây dựng bộ môn công nghệ sinh học cho trường. "Thầy bảo ở lại trong nước ít tiền hơn nhưng hãy ráng sức vì Việt Nam", bà nhớ mãi. Đó là lý do bà giữ lời hứa về xây dựng bộ môn công nghệ sinh học cho đại học An Giang trong 5 năm.

Nhóm Phóng viên

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022