Khi ê kíp chuẩn bị xong, TS.BS Nguyễn Tế Kha, 60 tuổi, Trưởng Khoa Phẫu thuật Ung bướu Tiết niệu, Bệnh viện Bình Dân, ngồi vào "ghế lái", điều khiển bốn cánh tay robot bung ra trong cơ thể bệnh nhân qua bốn lỗ (trocar) đã thiết lập sẵn. Trong đó, ba tay của robot cầm các dụng cụ phẫu thuật. Một tay robot giữ camera 3D để ghi hình cận cảnh vùng mổ giúp bác sĩ phẫu thuật xem rõ từng chi tiết giải phẫu trong cơ thể bệnh nhân và ê kíp còn lại có thể quan sát trên hai màn hình hiển thị.

ba-c-si-mo-robot-1723521501-9246-1723553611.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=892JkOZkuVYQEUV4NJnbWA

TS.BS Nguyễn Tế Kha, 60 tuổi, ngồi ở bàn điều khiển robot phẫu thuật. Ảnh: Lê Phương

Là phẫu thuật viên chính, bác sĩ Kha không cầm dụng cụ mổ như một ca mổ thông thường. Ông ngồi ở ghế lái, dùng hai tay xoay vặn cần điều khiển một cách khéo léo, hai mắt nhìn vào kính 3D phóng đại 10 lần để quan sát phẫu trường. Hai chân ông đặt trên những bàn đạp có các chức năng như đốt điện đơn cực, lưỡng cực, di chuyển camera, chuyển đổi các dụng cụ mổ. Các cánh tay robot linh hoạt di chuyển dụng cụ, thực hiện động tác cắt lọc, bóc tách khối u, cắt đốt, khâu nối... theo cử động tay chân của bác sĩ Kha. Cả hệ thống phẫu thuật robot như một chiếc máy bay vận hành nhịp nhàng dưới sự điều khiển của "cơ trưởng". Các y bác sĩ khác hợp thành ê kíp trợ mổ như ca phẫu thuật thông thường, song bác sĩ phụ mổ được ví như "cơ phó", cùng kíp gây mê, điều dưỡng dụng cụ.

"Thay camera 30 độ, hút dịch bên trái", bác sĩ Kha lệnh cho ê kíp phẫu thuật hôm 16/8 qua chiếc mic ở buồng điều khiển. Từ tháp robot, kíp hỗ trợ đứng gần bệnh nhân, gồm "cơ phó" phụ mổ là Ths.BS.CK1 Nguyễn Vương Bảo Anh, một bác sĩ chuyên về gây mê, kỹ thuật viên gây mê cùng điều dưỡng đưa dụng cụ. Giữa cuộc mổ, hình ảnh hiển thị bị nhòe, bác sĩ Bảo Anh đưa cánh tay robot giữ camera ra khỏi bụng bệnh nhân, lau ống kính rồi lắp lại vào cơ thể qua lỗ trocar, hình ảnh phóng to được sắc nét hơn.

Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt, cần cắt tuyến tiền liệt tận gốc khối ung thư. Điều thử thách là vài năm trước bệnh nhân từng phẫu thuật ung thư đại tràng nên các quai ruột dính nhiều, cuộc mổ kéo dài hơn những trường hợp không dây dính. Sau 60 phút, khối u bóc tách thành công được đưa vào túi đựng nội soi. Bác sĩ tiếp tục nạo hạch chậu bịt hai bên. Chỉ khâu được luồn vào để bác sĩ điều khiển những cánh tay robot hoàn tất công đoạn khâu nối cổ bàng quang, niệu đạo, giúp người bệnh đi tiểu được sau mổ.

Đây là một trong số hơn 2.800 ca phẫu thuật robot, được bác sĩ Bệnh viện Bình Dân thực hiện 8 năm qua. Hệ thống robot phẫu thuật này được Bộ Y tế cấp phép đầu tiên để điều trị cho người lớn tại Việt Nam, kinh phí đầu tư 71 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay kích cầu của TP HCM. Bình Dân là bệnh viện ngoại khoa hạng một, tuyến cuối chuyên phẫu thuật tổng quát, tiết niệu và lồng ngực mạch máu cho bệnh nhân các tỉnh phía Nam.

bs-mo-robot-1723521512-3223-1723553611.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eBdAyax3IjDt2POhIFehJg

TS.BS Nguyễn Tế Kha (phía ngoài) và bác sĩ phụ mổ Nguyễn Vương Bảo Anh trao đổi về phim chụp của người bệnh trước mổ. Ảnh: Lê Phương

"Mơ ước từ năm 1999 của tôi đã trở thành hiện thực", bác sĩ Kha nói. Khi ấy, ông học nội trú tại Bệnh viện Bichat ở thủ đô Paris (Pháp), nghe Bệnh viện Henri Mondor phía ngoại ô có phẫu thuật bằng robot. Ông tìm đến xin kiến tập, tức đứng trong phòng mổ quan sát, song suất học đã đầy lịch đến năm 2004. Về nước năm 2000, ông trăn trở "không biết cuộc đời có cơ hội được sờ tới robot hay không". Năm 2012, khi PGS.TS.BS Trần Vĩnh Hưng được bổ nhiệm giám đốc Bệnh viện Bình Dân, bác sĩ Kha bày tỏ mong ước này và 4 năm sau "rất bất ngờ" khi tận mắt nhìn thấy robot ở phòng mổ bệnh viện.

Để có thể "ra lệnh" cho robot, ông cùng những bác sĩ có kinh nghiệm về mổ mở và mổ nội soi như PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, PGS.TS.BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, TS.BS Phạm Phú Phát, BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu, BS.CK2 Nguyễn Phúc Minh... lần lượt được cử sang Hàn Quốc đào tạo. Robot có chương trình giả lập, để bác sĩ làm quen các thao tác từ cầm nắm, khâu nối, sử dụng năng lượng đốt cầm máu bằng chân điều khiển... Phải vượt qua các thử thách này, bác sĩ mới được cấp chứng chỉ phẫu thuật robot cho người bệnh.

Đến nay, đã thực hiện hàng nghìn ca mổ, bao gồm cả phẫu thuật mổ mở và phẫu thuật nội soi, bác sĩ Kha không tránh khỏi "cảm giác lo sợ" trong những lần đầu thao tác với robot. Bởi, ngày xưa đứng cạnh bệnh nhân mổ nội soi, tình huống nguy hiểm có thể lập tức chuyển sang mổ mở. Mổ robot lại ngồi cách xa bệnh nhân 10 m, cảm giác "không chạm" người bệnh khiến ông lo khi có tình huống khẩn cấp sẽ không kịp xử lý.

Hai ca mổ bằng robot đầu tiên của bác sĩ Kha diễn ra thuận lợi, vùng phẫu thuật được thu hẹp với mức xâm lấn tối thiểu nên bệnh nhân hồi phục rất nhanh. Nhờ hình ảnh không gian ba chiều, góc phẫu thuật rộng 540 độ, robot giúp làm được những điều mà bàn tay con người không thể thực hiện, luồn lách thao tác ở những vị trí hẹp, sâu và khó tiếp cận.

Tuy nhiên, đến ca mổ thứ ba, biến cố xảy ra khiến bác sĩ stress thời gian dài, đến mức có ý định từ bỏ phẫu thuật robot. Người bệnh là ông cụ hơn 70 tuổi bị ung tuyến tiền liệt, xuất hiện tình trạng nước tiểu rò vào ổ bụng sau mổ robot. Bình thường, biến chứng này có thể khắc phục và kiểm soát tốt bằng cách mổ khâu lại vị trí rò. Riêng cụ ông, trải qua 6 lần phẫu thuật khâu lại nhưng vẫn không giải quyết được. Khả năng thất bại là do cơ địa người bệnh khó lành thương, đặc biệt là vùng ruột bệnh nhân quá nhạy cảm. Cuối cùng, gia đình xin đưa về.

"43 ngày bệnh nhân nằm viện, tôi suy sụp nặng nề, sụt 5 kg, ngưng lịch mổ, ngừng hoàn toàn việc phẫu thuật robot", bác sĩ Kha nói thêm rằng ông cảm thấy bất lực khi không cứu được bệnh nhân, hoài nghi liệu tay nghề bản thân có thể tiếp tục phẫu thuật robot không. Tĩnh tâm hơn, ông tự nhủ "ngã ở đâu phải đứng dậy ở đó", cứu chữa thật tốt những người bệnh khác. Chưa kể, mổ robot là con đường mới, khó tránh khỏi những chông gai phải vượt qua. Để có thể tối ưu lợi điểm của robot cho nhiều người bệnh hơn cần phải nỗ lực, không thể hèn nhát chấp nhận thất bại.

Kể từ đó đến nay, gần 600 bệnh nhân khác đã được bác sĩ Kha mổ robot, tất cả đều thành công. "Nếu không có bài học sâu sắc từ bệnh nhân kia, chưa chắc đã có thể đạt kết quả tốt như vậy", ông nói. Bác sĩ Kha trở thành người thực hiện nhiều ca mổ robot nhất của Bệnh viện Bình Dân cũng như Đông Nam Á, được ví von là "những cơ trưởng có nhiều giờ bay nhất". Ông cũng được gia danh là "super surgeon" (bác sĩ phẫu thuật siêu đẳng) của hệ thống phẫu thuật robot da Vinci toàn cầu. Danh hiệu này dành cho những người mổ từ 30 ca trong 3 tháng, theo thống kê dữ liệu của hãng.

Thạc sĩ Lý Thị Tuyết Ngọc, chuyên gia sản phẩm cao cấp, đại diện hãng Intuitive cung cấp máy, cho biết trong số hơn 9.100 hệ thống robot phẫu thuật da Vinci trên thế giới, Bệnh viện Bình Dân giữ kỷ lục về hiệu suất mổ với 2.800 ca trong 8 năm chỉ với một hệ thống robot phẫu thuật duy nhất. Nơi đây có 31 ê kíp phẫu thuật robot cùng với sự đa dạng các chuyên khoa phẫu thuật, trở thành trung tâm đào tạo cho bác sĩ tại Việt Nam. Hãng cũng đưa bác sĩ từ nhiều nước trong khu vực đến học tập kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm thực tế các phẫu thuật có sự hỗ trợ robot.

robot-pha-u-thua-t-1723521626-2840-2441-1723553611.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kziZM-Sg1EUpqMUSIz_ODw

Bác sĩ phụ mổ và các thành viên còn lại trong ê kíp đứng cạnh bệnh nhân và các cánh tay robot, có thể quan sát thao tác của robot trong cơ thẻ bệnh nhân trên màn hình hiển thị. Ảnh: Trần Nhung

TS.BS Phạm Phú Phát, Trưởng Khoa Niệu A, cho biết để phẫu thuật robot giỏi, bác sĩ phải có định hướng tốt về không gian ba chiều, phối hợp tay chân khéo léo, am tường về giải phẫu học vùng phẫu thuật. Người mổ không cầm nắm dụng cụ trực tiếp, không thể thao tác dựa trên lực cầm tay mà phải cảm giác mọi thứ theo quan sát bằng mắt.

Có những tình huống khó, phức tạp, robot phẫu thuật đã giúp bác sĩ thực hiện triệt để và tinh tế. Chẳng hạn, tuyến tiền liệt có kích thước rất nhỏ, nằm sâu bên trong vùng chậu, việc mổ mở hay phẫu thuật nội soi xử lý u đều rất khó thao tác, khó đạt được hiệu quả cao như mong muốn. Với mổ robot, bệnh nhân gần như không xảy ra tình trạng tiểu không kiểm soát sau mổ - điều hay gặp ở các phương pháp khác. Ngoài ra, nhiều trường hợp còn bảo tồn được dây thần kinh cương, giúp nam giới duy trì chức năng tình dục.

"Nhờ mổ robot, phẫu thuật viên hiểu và quan sát rõ nhiều vị trí giải phẫu khó tiếp cận mà trước đây chỉ thấy qua sách vở, qua sự sờ chạm của bàn tay phẫu thuật mà không thể quan sát được do giới hạn tầm nhìn, thành ra lại giúp ích rất nhiều cho việc mổ nội soi tiêu chuẩn", bác sĩ Phát nói.

BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu, Phó Khoa Ngoại Tiêu hóa, người mổ robot đường tiêu hóa nhiều nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với 360 trường hợp, cho biết khi đã làm chủ công nghệ phẫu thuật robot, bác sĩ sẽ rất mê phương pháp này vì độ linh hoạt vượt trội so với nội soi tiêu chuẩn. Đơn cử, trong phẫu thuật ung thư đại trực tràng, hệ thống robot giúp phẫu tích lấy trọn được bao mạc treo trực tràng và bảo tồn thần kinh vùng chậu, nhờ đó giảm tỷ lệ tái phát ung thư tối đa cũng như bảo tồn tốt chức năng niệu, sinh dục của bệnh nhân. Điều này nội soi tiêu chuẩn khó có thể làm được vì dụng cụ nội soi chỉ có thể tiếp cận thẳng, không thể gập, duỗi, xoay trong vùng chậu chật hẹp như phẫu thuật robot.

Với những bướu nằm vị trí khó như thượng thận, rốn thận, bướu trực tràng thấp, bướu phổi nằm cao trên vùng ngực..., phẫu thuật robot phát huy ưu thế vượt trội, xử lý tổn thương ở mức độ hoàn hảo nhất. Cánh tay robot có chức năng khử rung cũng không bị rung như tay người, nhất là khi lớn tuổi, nhờ thế thao tác cắt xẻ rất chính xác.

Với những khối u trong lồng ngực, BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành, Phó Khoa Lồng ngực Bướu cổ, cho biết trong hơn 20 năm phẫu thuật, chỉ đến khi mổ robot, ông mới cảm nhận quan sát rõ đến từng vị trí u, các mạch máu tăng sinh trong phẫu trường ở mức độ cao nhất. Từ đó, thông qua từng cử động ngón tay người phẫu thuật viên, cánh tay robot từ phía xa uyển chuyển vận động, tỉ mỉ bóc tách khối u thật khéo. Nhờ quan sát tốt hơn và ưu điểm vượt trội khi thao tác với 3 cánh tay máy, bác sĩ Thành tự tin hơn trước những ca phẫu thuật khó và kéo dài.

Chưa kể, phẫu thuật viên robot cũng nhẹ nhàng hơn do không phải đứng lâu với tư thế khó trong thời gian dài mà ngồi trên ghế điều khiển, đỡ vất vả như khi cầm dụng cụ, kéo kềm trực tiếp. Điều này giúp những phẫu thuật viên ở tuổi gần 60 vẫn có thể mổ vài ca mỗi ngày.

bac-si-benh-vien-binh-dan-phau-thuat-robot-1723552662.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0Im3u90xNS4_pOAqdEXTqg
Bác sĩ Bệnh viện Bình Dân phẫu thuật robot

Bác sĩ đào tạo phẫu thuật robot tại Bệnh viện Bình Dân. Video: Bệnh viện cung cấp

Việt Nam vẫn còn quá ít hệ thống phẫu thuật robot, dẫn đến nhiều bệnh nhân chưa thể tiếp cận được, trong khi đây là xu thế phát triển của thế giới hàng chục năm qua với hàng nghìn trung tâm. Những năm gần đây, trước nhu cầu tăng cao về phẫu thuật robot, Bệnh viện Bình Dân tăng từ 2 ca lên 3 ca một ngày để giải quyết phần nào tình trạng quá tải. Dẫu vậy, bệnh nhân nơi đây muốn mổ robot phải chờ ít nhất một đến hai tuần.

Ngoài ra, chi phí phẫu thuật robot chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Một ca mổ robot ở Việt Nam hiện khoảng 120-150 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với giá 20.000-50.000 USD của Singapore, 15.000 USD của Hàn Quốc... Bảo hiểm một số nước chi trả khá nhiều cho phẫu thuật robot. Chẳng hạn, bảo hiểm y tế Malaysia, Singapore chi trả gần như hoàn toàn cho phẫu thuật robot cắt tiền liệt tuyến.

"Nhu cầu trị bệnh là có thật, hiệu quả là thật, cả thế giới đã thực hiện mấy chục năm nay, bảo hiểm y tế chưa chi trả thì quá thiệt thòi cho người bệnh", bác sĩ Phát nói.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022