Koi pla

Koi-Pla-dish-8500-1721835886.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6hhfCLEX0bUNA_1NKORmCA

Được người dân ở Lào và vùng Isaan của Thái Lan coi là một món salad, koi pla bao gồm cá sống băm nhỏ, nước cốt chanh, rau thơm và gia vị. Tác nhân nguy hiểm nhất của món ăn này chính là ký sinh trùng sống trong những con cá làm ra món koi pla. Món ăn này thường được làm bằng cá nước ngọt sống từ lưu vực sông Mekong, thường bị nhiễm giun dẹp ký sinh, còn gọi là sán sống. Những ký sinh trùng này từ lâu đã được biết là gây ra bệnh ung thư đường mật hoặc ung thư ống mật, một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất, gây ra cái chết của khoảng 20.000 người chỉ riêng ở Thái Lan.

Món ăn này được cho rằng "chỉ cần một miếng cũng đủ gây ra ung thư ống mật". Được gọi là "kẻ giết người thầm lặng", căn bệnh này có một trong những tỷ lệ sống sót thấp nhất. Isaan, tỉnh lớn nhất của Thái Lan, có trường hợp ung thư ống mật được báo cáo cao nhất trên thế giới, được cho là do sự phổ biến của món gỏi cá sống.

Tiến sĩ Khuntikeo đã tiến hành thử nghiệm rộng rãi trong số người dân địa phương ở tỉnh Isaan của Thái Lan và phát hiện có tới 80% trong số họ đã ăn phải sán lá gan sống. Không phải tất cả họ đều mắc bệnh ung thư ống mật nhưng nguy cơ mắc phải căn bệnh chết người này về sau là rất cao. Trong một cuộc kiểm tra y tế năm 2017, một phần ba dân làng cho thấy các triệu chứng bất thường ở gan và bốn người bị nghi ngờ mắc bệnh ung thư.

Khi được các chuyên gia cảnh báo, một số người thờ ơ cho rằng cái chết có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác. Trong khi một số người cho rằng nếu nấu chín cá trước khi ăn sẽ làm hỏng hoàn toàn hương vị. Những người thuộc thế hệ cũ lớn lên cùng koi pla rất khó để từ bỏ nhưng các bác sĩ như Narong Khuntikeo hy vọng rằng ít nhất thế hệ trẻ sẽ nhận ra mối nguy hiểm và tránh xa món ăn này. Các quan chức y tế địa phương đã đưa ra chương trình giảng dạy bằng phim hoạt hình tại trường học nhằm mục đích dạy trẻ em về những rủi ro của thực phẩm sống.

Cá nóc

56aece158d489-56aecc17abd92-20-3920-9462-1721835886.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-uht3hDfizECuo2VwdC6iQ

Cá nóc fugu được xem là đặc sản của ẩm thực xứ sở phù tang, thường được dùng làm sashimi. Đây là loại hải sản rất nguy hiểm do chứa hoạt chất tetrodotoxin được đánh giá còn mạnh hơn xyanua. Trước đây, cá nóc từng bị cấm ở Nhật Bản từ năm 1570 đến khoảng 1870 do chứa chất độc mạnh nhưng ngày nay, món ăn này khá phổ biến. Shimonoseki ở miền tây nam đảo Honshu được xem là "thủ phủ cá nóc". Có khoảng 120 loài cá nóc nhưng hiện tại, chính phủ Nhật Bản đã cấp phép cho khoảng 20 loài.

Bất chấp nguy hiểm, cá nóc vẫn được các đầu bếp Nhật Bản "liều mình" chế biến với các tiêu chuẩn khắt khe do hương vị thơm ngon. Đầu bếp chế biến cá nóc cần được trải qua khóa đào tạo và nhiều năm học tập, rèn luyện và thường xuyên làm bài kiểm tra để được cấp chứng chỉ.

Kỹ thuật đòi hỏi rất cao, chỉ cần sảy một ly có thể phải trả giá bằng tính mạng. Lý do là các bộ phận chứa chất độc nằm rải rác ở cơ thể như mang, tim, túi mật, thận, gan, buồng trứng, mắt, nếu không may cắt trúng có thể khiến thực khách gặp vấn đề về sức khỏe. Với riêng món sashimi (cá sống thái lát), đầu bếp chỉ được phép có 20 phút để chế biến, đảm bảo sự an toàn cho món ăn.

Bạch tuộc sống

pxqrocxwsjcc-1pJI8KIl9CiKme4MQ-5979-2817-1721835886.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7SvFVKsBgSPafVnBT03ltQ

Bạch tuộc sống được xếp hàng đầu trong nhiều danh sách các loại thực phẩm nguy hiểm nhất thế giới. Tên món ăn này trong tiếng Hàn là san-nakji, được làm từ những con bạch tuộc còn sống. Ngay khi các xúc tu được cắt ra, vẫn còn co giật, sẽ được đặt luôn trên đĩa, rưới thêm chút dầu mè để phục vụ thực khách.

Đây là món ăn phổ biến ở các vùng ven biển của Hàn Quốc. Tuy nhiên, món ăn này gây tranh cãi trong những năm gần đây do nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng. Xúc tu của bạch tuộc có thể cựa quậy, nếu không nhai kỹ hoặc nuốt miếng lớn có thể gây ra nghẹn, dẫn tới tử vong.

Từ năm 2007 đến 2012, ba người đã thiệt mạng ở Hàn Quốc sau khi nghẹn bạch tuộc sống. Năm 2013, hai người khác tử vong và năm 2019, một cụ ông 71 tuổi chết do nghẹn san-nakji. Dù vậy, gần đây bạch tuộc sống vẫn được các du khách muốn tìm cảm giác hồi hộp ưa chuộng. Thực khách thường được khuyên nên cắt xúc tu thành những miếng nhỏ hơn và nhai kỹ trước khi nuốt.

Hà Nguyên

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022