Vừa qua, ca sĩ Đan Trường gây nhiều sự chú ý khi cho ra mắt MV ca nhạc Em ơi ví dầu được thực hiện bằng công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo). Trong MV, Đan Trường không trực tiếp tham gia mà xuất hiện hình ảnh mô phỏng nam ca sĩ ngồi hát với những chuyển động như người thật.

mebpbc31me1-zeqwueow982-6h09209coe3.png

Bước đi này của Đan Trường khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ nhưng cũng không ít ý kiến bày tỏ sự e ngại. Bởi bất kỳ một vấn đề nào xảy ra cũng đều mang tính chất 2 mặt, lợi và hại. Sản phẩm của Đan Trường nhận về không ít sự chê bai xen lẫn thất vọng từ người hâm mộ. Bởi các ý kiến cho rằng đây là cách thức làm việc có phần máy móc, lười nhác, thiếu sáng tạo và không tôn trọng khán giả.

Trên thực tế, Đan Trường không phải là ca sĩ đầu tiên đưa trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm âm nhạc tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc để một phiên bản ảo của mình đảm nhận vai trò diễn xuất trong MV thì chưa ai tại Vpop thực hiện.

Về mặt tích cực, rõ ràng Đan Trường cho thấy sự tiếp cận xu hướng công nghệ rất nhanh. Bởi AI đang là một trong những công nghệ được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực ở thời điểm hiện tại. Không chỉ những ngành công nghiệp nặng, trí tuệ nhân tạo giờ đây đã có những bước "xâm lấn" ngoài sức tưởng tượng ở lĩnh vực nghệ thuật, giải trí.

ctcxymjzom1-kl05gtnzw42-y8l7wkkv8b3.png

Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia đi đầu trong việc đưa AI vào ngành công nghiệp giải trí. Kỹ thuật của họ tiên tiến đến mức tạo ra được những nghệ sĩ ảo trông như người thật với các kỹ năng ca hát, biểu diễn ở ngưỡng gần như hoàn hảo.

Năm 2017, cả thế giới không khỏi bất ngờ khi Nhật Bản lần đầu tiên có một nữ ca sĩ ảo được ra đời mang tên Hatsune Miku. Thời điểm đó, Miku trở thành nữ thần tượng đình đám không chỉ trong khu vực châu Á mà tên tuổi còn vươn ra các quốc gia châu Âu. Sự nổi tiếng của Miku đã mang về cho cô hàng loạt hợp đồng tiền tỷ với các nhãn hàng lớn, độ phủ sóng không hề kém cạnh bất kỳ một ngôi sao đình đám nào ngoài đời thật.

Trong khi đó, ngành giải trí Trung Quốc đã thành công trong việc tạo ra những thần tượng ảo đình đám như: Ayayi, Ling, Lạc Thiên Y, Erio... Những nữ thần tượng này đều được công ty quản lý bày ra chiến lược hoạt động bài bản như người thật: Có mạng xã hội riêng, có các show âm nhạc riêng, hợp đồng quảng cáo trong tất cả các lĩnh vực có thể hái ra tiền.

Trung Quốc với sự phát triển mạnh mẽ về mặt công nghệ thậm chí đã vượt mặt Nhật Bản trong cuộc chơi này dù thần tượng ảo là sáng kiến của đất nước Mặt trời mọc. Theo báo cáo số liệu của trung tâm nghiên cứu thị trường Trung Quốc, ngành công nghiệp này thu hút hơn 400 triệu người đăng ký, thu về hơn 500 triệu đô vào năm 2020 và ước tính có thể tăng trưởng đến 70% trong tương lai với mức lợi nhuận dự kiến lên tới hàng tỷ đô.

saostar-uu2bg7rxmy6mtxw7.jpgAyayi - Nữ thần tượng ảo đến từ Trung Quốc khiến cả thế giới sửng sốt bởi độ chân thật đến khó tin.

Thời gian gần đây, ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc cũng bắt đầu náo nhiệt khi "ông lớn" SM Entertainment "nổ" phát pháo đầu tiên với phiên bản ảo của nhóm nhạc tân binh aespa. Mặc dù gây khá nhiều tranh cãi thời điểm ra mắt, nhưng không thể phủ nhận nhóm ảo của aespa đã mang về cho SM những nguồn thu khổng lồ, đi cùng là việc mở ra một đế chế mới trong làng giải trí xứ Kim Chi.

saostar-k5hd8hjor7oihcdr.jpeg

Thế nhưng việc sử dụng công nghệ AI để đưa vào các sản phẩm nghệ thuật vẫn tồn động không ít bất cập. Trên thực tế, ca sĩ ảo vẫn chỉ là những sản phẩm công nghệ và nó hoàn toàn không thể mang đến những cảm xúc chân thật cho khán giả. Sẽ rất khó trong việc tạo ra mối liên kết cảm xúc giữa khán giả và ca sĩ ảo, có chăng chỉ là sự yêu thích về mặt thị giác hay những trải nghiệm mới lạ.

Cộng đồng người yêu nhạc từ lâu có lẽ đã quá quen với những liveshow trực tiếp, những buổi fan-meeting, những cảm xúc vỡ òa khi được chứng kiến, đồng hành cùng thần tượng qua từng mốc thời gian để lưu giữ những kỷ niệm. Đây gần như là một nét văn hóa của cộng đồng người yêu nhạc trên toàn thế giới và tất nhiên ca sĩ ảo không thể nào đáp ứng được những vấn đề về mặt cảm xúc.

Bên cạnh đó, việc sử dụng nghệ sĩ ảo cũng chính là cơ hội cho các tội phạm mạng hoạt động để kinh doanh phi pháp hay tạo ra các sản phẩm sai lệch về mặt đạo đức xã hội.

qytcww0jls1-ickhp78u4u2-zzauvp8hv33.png

Quay lại với trường hợp của ca sĩ Đan Trường, việc đưa AI vào trong các sản phẩm âm nhạc không xấu nhưng cần có sự phù hợp. Trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để tạo ra bối cảnh hay các nhân vật đặc biệt, chứ không nên là phương pháp để thay thế cho sự xuất hiện của Đan Trường trong một sản phẩm âm nhạc. Đồng thời, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách quá đà có khả năng làm thụt lùi sáng tạo và thực lực của con người bởi suy nghĩ phụ thuộc vào công nghệ.

Nhìn chung, sự tiến bộ vược bật trong công nghệ đã và đang nâng tầm trải nghiệm người dùng cũng như tiềm năng thúc đẩy lợi nhuận cho các công ty sản xuất. Song, nó vẫn chỉ dừng lại ở mức đánh đúng vào trí tò mò của khán giả, và tất nhiên sẽ không thể thay thế hoàn toàn giá trị do nghệ sĩ thật mang lại.

8oadnwn5j31-794gwk1ed12-3q7e1jttj43.png

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022