Khoảng đầu năm 2024, Công an tỉnh Nghệ An nhận được nhiều đơn trình báo của người dân về việc bị nhóm người giả danh là công an, viện kiểm sát… gọi điện dọa dẫm rồi dụ dỗ đóng tiền vào tài khoản "trung gian" để "chứng minh sự vô tội của mình. Người ít thì vài chục triệu, người nhiều lên tới cả tỷ đồng.

Đứng trước thực trạng đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã quyết định xác lập chuyên án để đấu tranh, làm rõ.

Qua nghiên cứu các tài liệu, Công an tỉnh Nghệ An xác định có nhiều đối tượng giả danh khi gọi điện đã sử dụng giọng địa phương là người ở Nghệ An. Tiếp tục xác minh, các trinh sát phát hiện tại huyện Yên Thành có rất nhiều người được dụ dỗ đi lao động ở nước ngoài, trong đó cầm đầu là đối tượng Phan Văn Phương (SN 1991, trú tại Yên Thành, Nghệ An). Phương thường xuyên lôi kéo, tổ chức cho người khác xuất cảnh, đi lao động ngoài nước.

Tiến hành xác minh về đường đi của Phương và những lao động này, Công an Nghệ An nắm được thông tin tất cả họ đều xuất cảnh sang Campuchia. Một tổ công tác được cử đi nắm tình hình. Tại nước bạn, trinh sát phát hiện Phương đang làm quản lý cho một công ty chuyên sử dụng công nghệ cao để lừa đảo. Ngoài ra, công an còn làm rõ đối tượng Tăng Quảng Vinh (SN 1989, trú tại Phường 11, Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những đối tượng chủ mưu quản lý, điều hành cấu kết với các đối tượng người Nghệ An và các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức cho các đối tượng người Việt Nam hoạt động phạm tội trong các công ty tại nước ngoài.

Theo đó, các đối tượng người Việt Nam hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty nước ngoài được tổ chức thành 03 tuyến gồm D1, D2, D3. D1 là các đối tượng sẽ đóng vai cán bộ làm việc tại các cơ quan chức năng có nhiệm vụ gọi cho những người dân theo danh sách đã soạn sẵn thông báo tới "con mồi" việc bị khóa sim, phong tỏa tài khoản ngân hàng vì nạn nhân đang liên quan tới các tổ chức lừa đảo hoặc tài khoản, số điện thoại đang được các tổ chức lừa đảo sử dụng để hoạt động phạm tội.

lua-dao-na-17210381275301219901910.jpg

Nhóm đối tượng bị bắt giữ (ảnh tư liệu).

Khi bị hại đã tin tưởng vào kịch bản, các đối tượng D1 sẽ chuyển cuộc gọi của nạn nhân cho D2. D2 là những đối tượng xưng là Đại úy A - Cán bộ Cục Cảnh sát Bộ Công an (hoặc đơn vị khác phù hợp), thông báo cho bị hại rằng giấy tờ tùy thân của ông/bà đang bị tội phạm lợi dụng phạm tội... (phù hợp với nội dung cuộc gọi của D1), yêu cầu phối hợp điều tra, đe dọa ra lệnh bắt tạm giam, lệnh phong tỏa tài khoản của bị hại.

Khi bị hại sợ hãi, đối tượng yêu cầu bị hại khai báo hiện dùng tài khoản ngân hàng gì, các tài sản (sổ tiết kiệm, tiền mặt, vàng, ngoại tệ, xe cộ...) hiện có để cơ quan chức năng xác minh, nếu không phải bị hại tiếp tay cho tội phạm sẽ trả lại. Sau khi bị hại cung cấp các thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu…, các thông tin này sẽ chuyển cho D3 (là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây). D3 yêu cầu bị hại ra ngân hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc thông tin đăng nhập và các mã OTP cho đối tượng, qua đó chiếm đoạt được tài khoản ngân hàng điện tử của bị hại. Tiếp đó, các đối tượng D3 yêu cầu bị hại rút sổ tiết kiệm, vay tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng rồi thao tác chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của bị hại đến các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt.

Việc dựng lên chân dung nhóm đối tượng cầm đầu cũng như những kẻ tham gia đường dây lừa đảo đã giúp Công an tỉnh Nghệ An lên kế hoạch phá án. Khi phát hiện một số tên cầm đầu sẽ quay về Việt Nam để tuyển người, Công an Nghệ An đã chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, Công an các huyện Yên Thành, Con Cuông, Diễn Châu, Tân Kỳ, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Tổ 373 (Công an Nghệ An), Công an thành phố Hồ Chí Minh, Công an các tỉnh: Bình Thuận, Long An, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) phá thành công chuyên án, đồng loạt khám xét, bắt giữ hàng chục đối tượng trong đường dây tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thu giữ nhiều tang vật có liên quan.

Ngoài Tăng Quảng Vinh (đối tượng cầm đầu đường dây), cho đến nay, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ khoảng 70 đối tượng. Tại cơ quan công an, nhóm đối tượng khai nhận đã thực hiện nhiều phi vụ lừa đảo với thủ đoạn giả danh người trong lực lượng thực thi pháp luật, số tiền mà chúng chiếm đoạt của các bị hại lên tới 700 tỷ đồng.

Truy tìm tài xế xe Toyota hất CSGT Hải Phòng lên nắp capo rồi bỏ chạy

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022