ky7-duaghengoosoctrang-anhtranthanhphong_vfih.png

Đua ghe ngo

Với môi trường sống chằng chịt sông rạch, thì dân miền Tây nghĩ ra trò đua ghe. Trò này phổ biến nhất ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, nơi có nhiều người Kh’mer sinh sống, gọi là đua ghe ngo.
Những chiếc ghe dài hơn 30 m, được điêu khắc khá đẹp ở mũi ghe, thân ghe thì sơn nhiều màu sắc sặc sỡ, được điều khiển bởi hơn 50 tay bơi với những chiếc mái dầm to nặng, lực đẩy rất mạnh, có thể chạy băng băng trên mặt nước với vận tốc không thua gì chiếc ghe chạy máy. Những người đàn ông khỏe mạnh và khéo léo nhất làng mới được chọn vào đội tuyển để thi đấu hằng năm. Đua ghe ngo đã trở thành lễ hội của dân miền Tây, bất kể dân tộc nào cũng tham dự cho vui, hòa đồng với nhau.
Tôi từng đi dự lễ hội này vào cuối thế kỷ 20, thấy nó là một lễ hội an lành, không có cướp giật, chặt chém. Có tới mấy ngàn người đứng chen đầy hai bên bờ sông nơi các đoàn ghe sẽ đi ngang, người nào không tìm được “mặt tiền” để ngắm ghe thì đứng phía sau, nghe người ta reo thì cũng reo theo. Hoặc người ta đi bộ quanh khu lễ hội, có rất nhiều món ăn địa phương để thưởng thức. Đặc biệt là giá không cao so với ngày thường. Người Kh’mer vốn tính chân thật, họ không có thói quen “chặt chém”. Họ cũng không níu kéo khách, cứ để khách đi ngang ngắm nhìn, họ chỉ ngước mắt lên rồi mỉm cười thôi. Tôi nhớ hoài nụ cười của các cô gái có màu da nâu đen và những bà mẹ dáng vẻ đầy vất vả. Đa số người Kh’mer nghèo khó, nhưng họ sống chan hòa với người Việt, ít có sự phân biệt. Cộng đồng Kh’mer - Việt khá gắn bó với nhau, tạo thành một bản sắc rất hay ở các tỉnh vừa kể trên.

Bắt vịt

Những tỉnh ít hoặc không có người Kh’mer thì lại bày trò bắt vịt. Tới ngày lễ gì đó, 2.9 chẳng hạn, thì trên sông đã rào lại một đoạn, rồi thả mấy chục con vịt trong khu vực đó. Người tham dự cuộc chơi cứ nhảy xuống sông mà lội thi với vịt, bắt được con nào thì lấy luôn con đó gọi là phần thưởng. Nói thiệt, vịt có khi người ta nuôi đầy nhà, mắc gì lội bắt cho mệt, nhưng không phải, lội bắt mới vui, chủ yếu là khoe tài trước hàng trăm cặp mắt thiếu nữ đang đứng dọc bờ sông ngắm nhìn, hò reo kia kìa. Đâu có dễ mà tóm được chú vịt, nó lặn, nó lội, nó lộn mèo, nó lướt như bay, bắt được nó thì cũng trầy vi tróc vảy, nhưng thú vị vô cùng. Tiếng cười ngặt nghẽo cứ vang lên suốt buổi, vì khán giả được thưởng thức những màn rất tức cười và dễ thương của các chú vịt lẫn người bắt vịt. Sông nước bị quậy tưng bừng, nước văng tung tóe, sôi động không thể tả.
Cần gì đợi tới lễ mới chơi, chỉ cần một bác nông dân cao hứng thả vài con vịt xuống khúc rạch trước nhà là tụi con nít hưởng ứng rần rần. Đứa nào ở nông thôn cũng lội như rái, vừa bắt vịt vừa la hét, cười sặc sụa, mấy ông già bà cả, cậu mợ thím dì đứng trên bờ cũng phụ họa om sòm, ta nói… cái xóm như tràn ngập mùa xuân và hạnh phúc.

Đánh bài tứ sắc

Miền Tây cũng có rất nhiều người Hoa sống lẫn với người Việt. Họ là những người lưu vong, bỏ quê mà đi sau phong trào phản Thanh phục Minh, và họ xuôi về phương Nam, bắt rễ luôn nơi này, trở thành một cộng đồng gắn bó với người Việt. Và họ đem theo một thú chơi, phổ biến trong cả cộng đồng, chính là đánh bài tứ sắc. Bảo đảm 99% người miền Tây đều biết đánh loại bài này, hoặc nói ngược lại, nếu không biết đánh tứ sắc thì chưa chính thức là dân miền Tây.
Thật sự hồi đó phần lớn người ta chơi tứ sắc không ăn thua nhiều, rất ít người gọi là “cờ bạc” đến tán gia bại sản như bây giờ, mà người ta chơi vì nó vui thôi. Ti vi hồi đó cả làng chỉ có một cái, tối thứ bảy mới phát cải lương, hầu như thú chơi không nhiều. Vì vậy, chỉ cần một bộ bài tứ sắc là có được một tiếng đồng hồ thư giãn. Nhất là những ngày tết, thời gian rảnh quá nhiều, chơi tứ sắc thôi. Hay ở chỗ, bài toàn chữ Hoa, người Việt có học thứ chữ này bao giờ, vậy mà nhìn vô thuộc lòng thiệt lẹ. Tướng sĩ tượng, xe pháo ngựa, trốt, 7 con bài mà tới 4 màu, mỗi con lại nhân 4, vậy là có 112 con bài, trong đó lại dùng hai cách viết chữ, rắc rối thiệt chớ! Cách chơi cũng không đơn giản, tính toán cũng dữ dằn lắm. Ấy vậy mà một đứa con nít chỉ “học” trong 7 - 10 bàn thôi đã biết chơi. Bà ngoại tôi hồi đó ăn trầu nên có cau khô rất nhiều, thế là mấy bà chị họ lấy đem làm “lệnh”. Chơi mà không ai dám bỏ nhiều tiền, chỉ đặt tí tiền cho có, cốt để lấy tiếng cười vang nhà. Chính từ trò chơi này mà có câu “một hoằng hai ba khạp”. Hoằng và khạp là cách tính trong bài tứ sắc, “ăn” rất cao. Cho nên hễ ai đi đám giỗ, đám cưới mà dắt con cháu vợ chồng em út theo nhiều thì người ta ghẹo là “một hoằng hai ba khạp”. Ngôn ngữ phong phú vậy đó! Nếu mình hiểu được xuất xứ của nó thì vô cùng thú vị.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022