Ai từng sống ở nông thôn miền Tây vào thế kỷ trước, ắt không lạ với hai chữ “vần công”. Đó là một kiểu làm việc luân phiên cho nhau, không hề tính toán so đo.
Thí dụ, tháng này gia đình tôi cất nhà, cả xóm sẽ tự huy động nhân lực đến giúp: đàn ông con trai cưa cây, dựng cột, lợp lá; đàn bà con gái nấu cơm, pha nước, dọn dẹp… Bà con họ hàng ở xa nếu biết tin và nếu sắp xếp được thời gian thì cũng lặn lội tới giúp. Giúp thôi, chứ không ai lấy một đồng một cắc. Rồi tháng sau, hoặc năm sau, nếu có gia đình nào trong xóm, trong họ cất nhà, sửa nhà thì gia đình tôi lại đi phụ giúp. Nghĩa là hôm nay người này làm cho người kia, thì hôm khác người kia làm lại cho người này, cứ xoay vòng hết nhà này tới nhà khác. Nếu ai đó bận việc không đến giúp được thì cũng không sao, cả xóm đều thông cảm.
Cấy lúa, gặt lúa cũng y như thế. Đồng lúa ít khi nào chín một lúc mà hơi so le vài ngày, vài tuần, chính là cơ hội cho nhà này sang làm giúp nhà kia, thu hoạch kịp thời. Người ta tính công theo ngày. Thí dụ, hôm trước chị Năm giúp mình 2 ngày công cấy, thì mình cũng giúp lại 2 ngày công cấy, công gặt gì đó. Lẽ ra nếu thiếu nhân công thì người ta phải mướn người, nhưng như thế lại quá sòng phẳng và tốn kém. Chị rảnh thì chị giúp tôi, tôi rảnh thì tôi giúp chị, không ai tốn đồng nào hết, lại thắt chặt nghĩa tình làng xóm. Cả làng cùng làm việc với nhau, không ai là chủ, cũng không ai là người làm mướn, vậy bình đẳng hơn, vui hơn. Rồi người trong làng cùng xúm nhau ăn cơm ngay trên cánh đồng gió lộng, cùng bơi xuồng lúa chở về sân nhà, í ới thắp đèn dầu hẹn nhau hôm khác… Ai từng sống với cảnh này cũng đều bồi hồi nhớ lại mà rơi nước mắt.
Vịt chạy đồng ở miền Tây Ảnh: Tư liệu |
Rồi trên những cánh đồng lúa chín là những tuổi thơ khó nghèo được âm thầm chia sẻ tình thương. Chủ ruộng hoặc người gặt lúa thường cố tình để lại một ít lúa vàng cho lũ trẻ nhặt về, gọi là “mót lúa”. Nhà nghèo lắm mới đi mót lúa, nên người ta chủ tâm bố thí một cách âm thầm. Nông dân ngày xưa dặn nhau: “Đừng cạn tàu ráo máng, hãy để lại một chút gì đó trên đồng cho người, cho chim, cho cá”. Vì vậy, khi cánh đồng vừa gặt xong thì đám trẻ nghèo đã túa ra đi mót lúa.
Tôi là một đứa trong đám trẻ ấy, bưng cái thúng nhỏ bên hông chạy ù ra đồng, cắm mặt xuống đất tìm những hạt vàng. Nhiều bông lúa sai oằn nằm vắt ngang chân rạ, là một kho báu kèm theo tiếng reo mừng. Thật không thể tả được cảm xúc hồi ấy khi mình nhặt được bông lúa. Khoảng một hai tiếng đồng hồ là lưng lửng thúng, mang về nhà nuôi vịt, nuôi gà. Rồi con gà, con vịt ấy đẻ ra trứng, nở thành con và thế là lại thêm một vòng quay sinh tồn cho cả gia đình. Bông lúa ấy sau này đã đi vào thơ tôi: “Tuổi thơ của tôi có những bông lúa sót - nằm trốn dưới chân rạ vàng như kho báu - những hạt lúa nhỏ nhoi mẹ tôi vẫn gọi là hạt ngọc - nên niềm vui của những cô bé, cậu bé nghèo lớn như biển như sông. Cánh đồng làng tôi đâu có mấy công - mà tôi đi suốt mười lăm năm thơ ấu - thuộc lòng từng lỗ chân trâu - nhớ từng hang cua hang ốc. Cánh đồng có dấu chân chúng tôi bao bọc - như đường viền thương nhớ một miền quê...”.
Sau khi lũ trẻ chúng tôi đã mót xong lúa, thì đến lượt chim và vịt mót lần hai, lần ba. Chim sà xuống ăn những hạt lúa lẻ rớt trong kẽ rạ mà lũ trẻ không thể nhặt được. Ông chủ nuôi vịt sẽ lùa bầy vịt xuống đồng cho nó rúc mỏ vào những kẹt cùng nhất để moi ra những bông lúa trốn kỹ nhất. Nhìn trên mặt ruộng thấy sạch trơn vậy chứ bầy vịt vẫn có thể căng diều sau một hồi càn quét thật kỹ. Chưa hết, ông chủ còn có thể lùa vịt xuống đồng lần nữa để càn quét dứt điểm trước khi cho bầy vịt chuyển sang ruộng mới. Những người chủ vịt nghèo thường nuôi “vịt chạy đồng” như thế, đỡ tốn chi phí mua lúa cho vịt ăn. Mà vịt chạy đồng có thể tìm bắt được cua ốc trên ruộng, nên thịt chắc lụi. Vịt gà hồi ấy chỉ nuôi bằng lúa, chứ không có thực phẩm trộn sẵn như bây giờ, nên tuy lớn chậm nhưng thịt lại rất ngon.
Triết lý sống của người miền Tây lặng thầm gửi vào bông lúa nhỏ nhoi ấy. Người ta không tận diệt thiên nhiên, luôn chừa lại cái gì đó cho kẻ đến sau, cùng cộng sinh trên mảnh đất, miếng ruộng. Người ta bao bọc lẫn nhau, dù nghèo vẫn biết sẻ chia. Nghe đâu bây giờ đã khác. Lúa chín đã có máy vô gặt đập, rồi chở thẳng ra kho. Ruộng lúa không ai được vô mót hoặc thả vịt, mà chủ ruộng sẽ “bán” hẳn hòi. Một công đất khoảng 300.000 đồng, chủ vịt nào chịu thì đưa tiền, rồi mới được lùa vịt vô ăn; ăn xong mấy ngày rồi lùa vịt ra, coi như dứt hợp đồng. Khi đó ruộng lúa cũng sạch bách luôn, người ta bắt đầu đốt rạ chuẩn bị mùa mới. Ôi, những ngày xưa thương nhớ nay còn đâu…