Đại tá NSND Dương Minh Đức vừa tròn 75 tuổi. Vậy nhưng trong cuộc trò chuyện, thật khó để người viết gọi ông bằng một danh xưng nào khác ngoài từ "anh", khi nghệ sĩ vẫn có tác phong rất trẻ trung, kèm chất giọng sang sảng của một người lính.

Trong các giọng ca tại Việt Nam, anh là một trường hợp thú vị: Đến với âm nhạc sau khi có tấm bằng kỹ sư chế tạo máy. Để rồi, ngoài vai trò ca sĩ, NSND Dương Minh Đức còn có những bước đi khá xa trong âm nhạc. Anh từng bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ "Nghiên cứu phương pháp biểu diễn các ca khúc cách mạng trong thời kỳ mới", đồng thời từng là Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội...

*Không nhiều người biết anh có "thời thơ ấu"khá đặc biệt...

- Gần đây, một vài nhà báo khi trò chuyện với tôi cũng nhắc tới điều này. Tôi sinh tháng 10/1949 tại Sài Gòn. Cụ ông thân sinh ra tôi là người miền Bắc nhưng trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến tại Nam Bộ, còn cụ bà là người miền Nam. "Trời xe duyên" cho 2 cụ ở chiến khu Nam Trung Bộ. Do hoàn cảnh chiến đấu, mẹ tôi phải bí mật cải trang khi sinh tôi và sau đó gửi tôi cho người thân chăm sóc ở Sài Gòn. Bà âm thầm trở lại chiến khu tiếp tục công tác.

Hiệp định Geneva được ký kết, năm 1954 cha mẹ tôi tập kết ra Bắc. Năm 1955, vừa tròn 6 tuổi, tôi được người thân thu xếp, bố trí rất công phu đi vòng qua Phnom Penh (Campuchia) để ra Bắc đoàn tụ với cha mẹ. Tuy nhiên, do điều kiện công tác của cha mẹ nên tôi được bố trí vào học tập, rèn luyện ở trại Nhi đồng miền Nam tại ấp Thái Hà (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội). Sang tới cấp 2 và cấp 3, tôi học Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Năm 1968, tốt nghiệp phổ thông, tôi nhập ngũ vào binh chủng Hải quân.

NSND Dương Minh Đức

* Và như thế, chắc hẳn anh đã có thời thanh niên sôi nổi?

- Năm 1969, tôi thi đại học và từ anh lính hải quân trở thành sinh viên khóa I - Khoa Chế tạo máy (ngành xe quân sự) của trường Đại học Kỹ thuật quân sự - thời điểm đó vừa được thành lập trên cơ sở tách ra từ phân hiệu II Quân sự vốn thuộc Đại học Bách khoa.

Cuộc sống sinh viên quân đội đánh thức năng khiếu ca hát từ bé của tôi. Thời sinh viên sôi nổi, tôi góp phần trong nhiều hoạt động văn nghệ ở trường. Năm 1972, tôi được cử tham gia và đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Toàn quân lần thứ nhất với 2 tác phẩm Trong mỗi trái tim ta có Bác Hồ của tác giả Trịnh Nguyên Huân và Hà Nội niềm tin và hy vọng của nhạc sĩ Phan Nhân.

Tốt nghiệp kỹ sư khoa Chế tạo máy của Đại học Kỹ thuật quân sự, được giữ lại trường làm công tác giảng dạy nhưng nghe "theo tiếng gọi của nghệ thuật" nên năm 1976 tôi một lần nữa khoác áo sinh viên - Khoa Thanh nhạc của trường Âm nhạc Việt Nam. Lần ấy tôi trúng tuyển, đặc cách vào thẳng đại học. Đang học, năm 1979, tôi có vinh dự là thành viên Đoàn Nghệ thuật thanh niên Việt Nam sang Liên Xô giao lưu, tiếp đó là Liên hoan Thanh niên thế giới ở Cuba...

Tốt nghiệp trường Âm nhạc Việt Nam, tôi nhận công tác tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Từ ấy, tôi vừa biểu diễn vừa tham gia giảng dạy liên tục đến thời hạn nghỉ hưu năm 2008 với cấp bậc Đại tá, Phó Hiệu trưởng. Tạm tính đến nay, tôi cống hiến hơn 50 năm biểu diễn với đủ mọi qui mô sân khấu trong nước và quốc tế.

minh-duc-2-173681090045379621344.jpg

NSND Dương Minh Đức trong một chương trình biểu diễn

* Và, nhiều người cũng nhận xét rằng anh rất thủy chung với tình ca cách mạng?

- Trong lần giao lưu thanh niên Việt - Xô năm 1979, tôi thể hiện ca khúc Ký ức Kachiusa của tác giả Thanh Trúc. Quan sát thái độ của khán giả, tôi xúc động nhận thấy âm nhạc đã vượt qua rào cản ngôn ngữ khi chuyển tải cảm xúc về người chiến sĩ trong tác phẩm này.

Năm 1981, vừa tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc - trường Âm nhạc Việt Nam, tôi đoạt giải Ba cuộc thi âm nhạc quốc tế "Hoa Cẩm chướng đỏ" tại Liên Xô với bài hát Chiều trên bến cảng của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn.

Nhiều người yêu mến, nói đùa rằng tôi bị "đóng đinh" với những ca khúc như: Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt, Sa Pa, thành phố trong sương của nhạc sĩ Vĩnh Cát, Điều giản dị của nhạc sĩ Phú Quang, Mối tình đầu của Thế Duy… Bên cạnh đơn ca, từ cách đây khoảng gần 20 năm, tôi cùng các đồng nghiệp Quang Thọ, Quang Huy, Thanh Vinh, Doãn Tần - những giọng ca nam được nhiều người yêu nhạc gắn bó gần như suốt đời - hình thành tốp ca "ngũ lão". Đây là sự kết hợp đầy ngẫu hứng của 5 nghệ sĩ già bởi lúc đó người trẻ nhất cũng quá 50 năm cuộc đời, nhưng cất tiếng hát thì chúng tôi "không có tuổi". Bài đầu tiên chúng tôi chọn là Năm anh em trên một chiếc xe tăng của nhạc sĩ Doãn Nho, phổ thơ Hữu Thỉnh. Tiếp đến là những bản tình ca cách mạng như: Cuộc đời vẫn đẹp sao của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Đêm Trường Sơn nhớ Bác của nhạc sĩ Trần Chung, Tiếng hát từ thành phố mang tên Người của nhạc sĩ Cao Việt Bách. Trang phục biểu diễn chủ đạo của chúng tôi là bộ quân phục giản dị hoặc áo vest đỏ lịch lãm, đậm chất trữ tình cách mạng.

* Vậy còn công việc của một giảng viên thanh nhạc?

- Nhìn lại chặng đường từ ngày đầu làm việc tại trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, tôi có 45 năm liên tục tham gia công tác giảng dạy thanh nhạc, bao gồm 28 năm đương nhiệm ở trường và 17 năm kể từ ngày nghỉ hưu. Bên cạnh phần đại cương, tôi trực tiếp đào tạo một số nghệ sĩ, giọng hát được công chúng yêu mến như: Kasim Hoàng Vũ (giải Nhất dòng nhạc nhẹ - Sao Mai - Điểm hẹn 2004), Quang Hào (giải Nhì dòng dân gian - Sao Mai 2005), Thanh Yên (đồng giải Nhì dòng dân gian - Sao Mai 2005), Vũ Thắng Lợi, (giải Nhì dòng thính phòng - Sao Mai 2011), Đỗ Tố Hoa (giải Nhất dòng thính phòng - Sao Mai 2017), Hồng Hạnh (Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội). ..

Ngoài Việt Nam, từ những năm 1980 tôi còn tham gia đào tạo nhiều ca sĩ cho các đoàn nghệ thuật quân đội của các nước bạn Lào và Campuchia.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện

"Từ cách đây gần 20 năm, tôi cùng các đồng nghiệp Quang Thọ, Quang Huy, Thanh Vinh, Doãn Tần hình thành tốp ca "ngũ lão". Đây là sự kết hợp đầy ngẫu hứng của 5 nghệ sĩ già"- NSND Dương Minh Đức.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận - ngọn cờ đầu của âm nhạc Cách mạng Việt Nam

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022