Vào đêm trừ tịch, nồi nước tắm được bắc cạnh nồi bánh chưng cúng Tết, chia lửa với nhau. Nồi bánh lớn như cái thùng nước lèo hàng phở sôi ùng ục. Nồi nước tắm nhỏ hơn chỉ reo khe khẽ. Và thơm!
Là vì, tắm tất niên bao giờ cũng tắm bằng nước cây mùi, thứ rau mùi để già tới rụng hoa vàng, kết những trái nhỏ li ti tròn vo. Cả một năm, rau mùi chỉ được làm thơm các món ăn, Tết đến, nó hóa thân trong thau nước bốc hương thơm ngát, xông thơm da thịt con người. Tắm rồi, người ta cứ mang mùi thơm thảo mộc ấy mà lễ chùa, cúng gia tiên, hái lộc… rồi thanh thản bước vào một năm mới.
Tắm nước mùi là một bài thuốc dưỡng da rất tinh tế của các cụ nhà mình. Sách thuốc xưa có chép cây rau mùi còn có tên chữ là hồ tuy, vì người Trung Quốc cho rằng xưa ông Chương Khiên của họ đi sứ sang nước Hồ mang giống cây này về trồng. Cây mùi có tên khoa học là Coriandrum sativum L. Tại nhiều nước vùng Địa Trung Hải, tại Ấn Độ, Trung Quốc… mùi được trồng đại quy mô để lấy quả chưng cất tinh dầu dùng trong công nghiệp sản xuất nước hoa (dầu thơm) và làm thuốc.
Tác phẩm “Tắm” (mực và thuốc vẽ trên lụa, 69 x 49 cm, 1970) của Nguyễn Phan Chánh
Một bài thuốc rất cần với phái đẹp là bài thuốc tẩy tàn nhang. Khi trên da mặt có những nốt đen, lấy quả mùi sắc nước mà rửa, nốt đen sẽ lặn. Những ai sống gần thiên nhiên, tháng Hè tắm nước mướp đắng (khổ qua) ngày Xuân tắm nước hồ tuy (rau mùi) lại thường xuyên rửa mặt bằng nước sắc quả mùi thì với người ấy, một nước da trứng gà bóc sẽ là… cầu được, ước thấy!
***
Son phấn làm đẹp thật đa sắc, nước tắm cũng nhiều mùi cho ta lựa chọn! Có thể tắm hương sen theo cách mà Nguyễn Bỉnh Khiêm từng trải nghiệm và truyền dạy đời sau:
Thu ăn măng trúc, Đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, Hạ tắm ao
Chuyện ăn, xin được bàn vào một Tết khác, Tết Ất Tỵ 2025 này xin chỉ bàn chuyện tắm. Nói theo khoa học thì đó là công việc vệ sinh làn da. Còn nói theo văn chương là tẩm hoa, là làm thơm con người mình, giữ thơm, góp thơm vào môi trường xã hội nhiều chen lấn, ganh đua dễ bề ô nhiễm. Làm thơm cùng với làm đẹp - đó là những công việc bạn trẻ không thể không làm mỗi khi năm hết, Tết đến. Cho nên dân mình mới giữ mãi tục tắm tất niên, lần tắm cuối cùng trong năm, một cuộc "tẩy trần" long trọng.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp rất say mê với hương vị lá mùi già
Ngoài hương sen, cũng có thể tắm thứ hương mà Nguyên Du đã dùng cho nàng Kiều của mình. Nếu đọc Kiều theo con mắt của nhà dưỡng sinh thì từ câu 1309 tới câu 1312 Nguyễn Du có gửi vào văn chương mình, bài thuốc dưỡng da rất khoa học. Ông chỉ viết ngắn gọn: Buồng the phải buổi thong dong/ Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa, để rồi vừa tắm xong, vừa xuống dòng lục bát, hiệu quả đã nhỡn tiền với bạn đọc! Trong mắt Thúc Sinh, Thúy Kiều trở nên sắc nét hơn, nõn nà, mềm mại hơn:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên
Thang lan là thang thuốc như thế nào mà kiến hiệu thế? Học giả Đào Duy Anh đã đi đến cùng kì lí và cho rằng (nguyên văn, ở trang 383 sách Từ điển Truyện Kiều) nàng Kiều tắm "Nước nóng nấu có bỏ lá lan, tức lásả cho thơm"!
Tác phẩm “Thiếu nữ chải tóc” (bột màu và sơn trên lụa, 89 x 52 cm, 1933) của Nguyễn Phan Chánh
Những thơm tho như thế còn có trong cổ tích, khi Chử Đồng Tử và Tiên Dung cùng tắm mát, khắc tạc giữa mênh mông cát trắng - màu trắng thanh sạch, một khỏa thân đối tính, nam nữ bình đẳng; còn có trong thơ Hàn Mặc Tử khi Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm;còn có trong các bức tranh lụa Tắm ao, Trăng tỏ, Trăng lu, Tiên Dung tắm, Kiều tắm của danh họa Nguyễn Phan Chánh; còn có trong một di tích lịch sử ngay tại TP.HCM, khi ta cùng đằm mình trong thơ Trần Mạnh Hảo, trôi theo trường ca Mặt trời trong lòng đất, cùng chiêm ngưỡng lối tắm giếng âm (giếng địa đạo Củ Chi) của những người đẹp cầm súng, đưa xuống lòng đất theo mình, cả mặt trăng và mặt trời:
Em hãy cứ một mình ra giếng tắm
Thân hình em cong nở mảnh trăng liềm
Em hãy dội mát lành trước khi vào trận đánh
Em tắm mà, giếng lại ngỡ trăng lên…
***
Trở lên chỉ là tẩy trần, làm thơm trong văn chương. Xin kể chuyện tắm suối nước nóng ngay trong lòng Hà Nội, một địa chỉ văn hóa chắc còn ít người biết. Trong sách "Người Việt nói tiếng Việt", tác giả Nguyễn Quang Thọ tả thực về một "dòng suối nước nóng", nơi ông từng tắm miễn phí, thả câu miễn phí những ngày đông giá, sương giăng mù mịt hồ Trúc Bạch:
"Nhà tôi ở phố Châu Long, chỉ cách Nhà máy Điện Yên Phụ có một dãy phố Cửa Bắc, cách hồ Trúc Bạch cũng chỉ một dãy nhà. Mỗi lần nhà máy điện xả nước qua cái cống phía sau Câu lạc bộ nhà máy là bọn trẻ chúng tôi có thể tắm nước nóng miễn phí giữa mùa đông. Vui nhất là cá úi. Cá lớn cá bé cá mẹ cá con cứ nhao lên ngáp dưỡng khí. Những đứa lớn bơi giỏi thì cầm đinh ba bơi ra đâm, được cả thùng tô nô. Ăn không hết, bán không hết thì làm mắm. Đứa nhỏ mà nhát như Tư tôi thì chỉ lặn xuống mò những con vừa chết chìm cũng được tí chất tươi.
Ở gần nhà máy điện chỉ ghét mỗi tội nhiều bụi. Bụi rơi rào rào ngày đêm, nhà nào cũng bẩn, cũng nhơm nhếch. Nhưng được cái xỉ than thải ra hồ lại đem về cho dân chúng nguồn chất đốt. Thứ than bùn múc từ dưới lòng hồ được nặn thành bánh, rẻ hơn than đá, lại đỡ hại nồi. Ngồi trong lớp học, nhiều lần Tư tôi đãng trí, chỉ mải ngắm những chiếc thuyền vớt bùn khi mờ khi tỏ trong làn sương mù sáng mùa Đông.
Hồi bọn Mỹ ném bom Hà Nội, cả khu vực Châu Long, Ngũ Xã phải đi sơ tán vì sợ nhà máy bị ném bom. Bom rơi, đạn lạc biết đâu mà ngờ. Được cái may là cả khu phố đã xám màu bụi than, khỏi cần phải ngụy trang...".
***
Người Nam Bộ gọi rau mùi là cây ngò. Có ngò gai và ngò rí. "Mùi ngò gai" đã gợi hứng để Hãng phim Gia đình Việt - Vifa cùng công ty CJ E&M, Hàn Quốc, hợp tác làm thành phim truyền hình nhiều tập vinh danh món phở Việt Nam, rất ăn khách.
Mùi ngò rí thơm ngát từ nồi nước tắm tất niên cũng "điện ảnh" lắm chứ! Thử tưởng tượng, trong một khuôn hình mà hương thơm đọng thành những giọt ấm, câu đề từ của bộ phim thầm thì với người xem: Thò tay mà ngắt cọng ngò/ Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ…