Cuối tháng 7, nghệ sĩ 74 tuổi dự buổi ra mắt show Đêm huyền thoại - hát chung cùng các danh ca Lệ Thủy, Ngọc Giàu, danh hài Bảo Quốc ở TP HCM. Trở lại chỉ sau 5 tháng kể từ liveshow kỷ niệm 60 năm làm nghề, ông nhận được nhiều quan tâm. Nghệ sĩ cho biết: "Tôi hiếm khi gặp trở ngại nào về sức khỏe, có lẽ nhờ vợ luôn kề cận, lo từ miếng ăn đến viên thuốc".

vo-chong-minh-vuong-1722564383-6435-1722565012.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=95iSmM9Cex89wKRdduuTAw

Nghệ sĩ cải lương Minh Vương bên vợ - bà Đỗ Thị Hồng, người gắn bó cùng ông hơn 30 năm qua. Ảnh: Mai Nhật

Sau khi được phẫu thuật ghép thận từ một thanh niên năm 2012, nghệ sĩ đi đâu cũng phải mang theo các loại thuốc như huyết áp, chống thải ghép. Mỗi tháng, bà cùng ông lên bệnh viện tầm soát sức khỏe. Sau khi lấy thuốc, bà phân thành các túi nhỏ, ghi rõ ba cữ - sáng, trưa, tối vì sợ chồng quên.

Các con đã trưởng thành, sống riêng, vợ chồng nghệ sĩ ý thức tập thể dục hàng ngày để giữ gìn sức khỏe. Ông bắt đầu ngày mới bằng những bài tập nhẹ tại chỗ, kéo dài 15 phút để khí huyết lưu thông, sau đó uống một ly sữa nóng. Bà cũng lên thực đơn phù hợp thể trạng hiện tại của ông, nhắc nghệ sĩ kiêng các món gây nóng, nhiều dầu mỡ, ảnh hưởng đến chất giọng. "Nhờ vậy, giọng hát của tôi dù không khỏe như thời đỉnh cao nhưng cũng giữ được 70-80%", ông nói.

trich-doan-to-anh-nguyet-minh-vuong-dong-cung-le-thuy-1710651040.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PRMreJRUk6-mJEmReI0MSg
Trích đoạn "Tô Ánh Nguyệt" Minh Vương đóng cùng Lệ Thủy

Nghệ sĩ Minh Vương, Lệ Thủy hát trích đoạn "Tô Ánh Nguyệt" (soạn giả Trần Hữu Trang) ở liveshow tháng 3. Video: Mai Nhật

Mỗi lần đi hát xa, bà là cánh tay phải đắc lực của ông trong việc quán xuyến lịch show. Minh Vương ví vợ như một stylist chuyên nghiệp, hiếm khi ông phải để ý chuyện trang phục bởi bà hiểu rõ gu mặc của chồng. Bà tự ra tiệm chọn vải, may quần áo cho ông, lựa từng món phụ kiện. Mỗi khi Minh Vương ra sân khấu, bà ngồi một góc, nép mình trong cánh gà, mỉm cười hạnh phúc khi thấy ông được khán giả vây quanh tặng hoa. "Đời nghệ sĩ vốn nhiều cám dỗ nhưng hôn nhân của tôi luôn bình yên, có lẽ nhờ có người vợ tâm đầu ý hợp, cùng nhau đi qua bao buồn vui sướng khổ hơn 30 năm", ông cho biết.

Từng một lần đổ vỡ, với nghệ sĩ, điều quan trọng nhất để vợ chồng giữ "lửa" mái ấm là sự nhường nhịn, trân trọng lẫn nhau. Minh Vương cho biết đôi lần cãi vã, vợ ông có phần lớn tiếng. Ông thường trêu: "Thôi, nên nhỏ nhẹ với người lớn tuổi nha", khiến bà bật cười, mọi giận hờn dường như tan biến.

Mỗi lần có show mới, Minh Vương cho biết vẫn nôn nao, hồi hộp như ngày đầu đi hát. Ông mừng vì còn được gặp khán giả, được yêu mến, đón nhận, song kèm theo đó là áp lực phải chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh sai sót. Kinh nghiệm dày dạn, nghệ sĩ vẫn luyện thanh mỗi ngày. Sát đêm diễn, ông hạn chế nói chuyện với âm lượng lớn. "Ở nhà, thỉnh thoảng tôi phải ca thử một đoạn vọng cổ xem làn hơi còn tốt không, giọng bị rè chỗ nào, xong mới yên tâm làm việc tiếp", nghệ sĩ nói. Dù đủ sức hát bốn, năm trích đoạn mỗi show, ông hạn chế nhận lời mời biểu diễn, chỉ xuất hiện ở một số sự kiện, đêm nhạc quan trọng của đồng nghiệp, hậu bối thân thiết.

Những năm gần đây, Minh Vương dành tâm huyết cho các cuộc thi ca cổ, đem kinh nghiệm tích lũy hơn 60 năm truyền "lửa" cho các thí sinh, như chương trình Học viện cải lương đầu tháng 5. Việc làm giám khảo, tiếp xúc lớp trẻ giúp ông ôn lại hoài niệm những ngày mới vào nghề. 12 tuổi, cậu bé Nguyễn Văn Vưng (tên thật của nghệ sĩ) thường đi vớt cá lia thia để bán. Một lần bắt cá, ông đi ngang qua lớp dạy ca vọng cổ của thầy Bảy Trạch. Vốn mê hát, ông được thầy để ý, gửi cho danh cầm Văn Giỏi uốn nắn. Hai năm, ông được thầy chọn đi thi Khôi nguyên vọng cổ và đoạt giải. Minh Vương được bầu Long ở đoàn Kim Chung mời ký hợp đồng, từ đó trở thành ngôi sao mới của làng cổ nhạc.

minh-vuong-1-6696-1722565012.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DLxDQ6MaR5O72NDV1MRj6w

Nghệ sĩ Minh Vương ở tuổi đôi mươi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trải qua nhiều ngọt bùi, đắng cay trong nghề, Minh Vương nói không ngại nhận xét thẳng, chỉ ra cái sai của các bạn trẻ ở những sân chơi cải lương. Nhiều người lời ra tiếng vào, thậm chí giận, ông vẫn chấp nhận. "Tôi chú trọng góp ý chuyên môn để giúp họ hát tốt, hát chuẩn một bản vọng cổ. Với tôi, đó cũng là sự tận hiến dành cho cải lương, dù sau này tôi có thể không còn được đứng trên sân khấu", ông nói.

Nghệ sĩ quê Long An, lên Sài Gòn cùng cha mẹ lập nghiệp từ bé. Năm 1967, Minh Vương bắt đầu hát kép chính, đồng thời kết hợp loạt giọng ca nữ như Lệ Thủy, Mỹ Châu, Diệu Hiền, từ đó trở thành ngôi sao của đoàn Kim Chung. Năm 1971, tên tuổi của Minh Vương thực sự tỏa sáng khi được mời thu thanh với các đĩa Người tình trên chiến trận, Đường gươm Nguyên Bá, Đêm lạnh chùa hoang, Tiêu Anh Phụng, Tái sanh duyên, Đời cô Hạnh, và nhiều bài tân cổ như: Bánh bông lan, Vườn tao ngộ, Yêu lầm, Phút cuối, Biển tình.

minh-vuong-le-thuy-hat-tan-co-banh-bong-lan-1538315373.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fJ-6FhibrwMTkLRAiasDlw
Minh Vương, Lệ Thủy hát tân cổ 'Bánh bông lan'

Minh Vương, Lệ Thủy hát tân cổ "Bánh bông lan" (soạn giả Loan Thảo). Video: Lê Hoàng TV

Ông còn nổi tiếng với vai kép lão qua nhân vật Nguyễn Trãi ở vở Rạng ngọc Côn Sơn (tác giả Xuân Phong), đạo diễn Đoàn Bá dàn dựng thập niên 1980. Năm 2008, ông và Lệ Thủy ra mắt Sân khấu vàng - một chương trình xã hội hóa, do nhà hát Trần Hữu Trang quản lý, vừa là sân chơi cho các nghệ sĩ cải lương gạo cội, vừa tạo nguồn quỹ làm từ thiện. Cùng năm, Minh Vương - Lệ Thủy được trao kỷ lục Guinness cặp đào - kép đóng chung lâu năm và ăn ý nhất Việt Nam. Tháng 8/2019, ông được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân.

Mai Nhật

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022