Phát biểu tại TP HCM trưa 2/8 trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, ông Lý Gia Siêu, Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong, cho biết kinh nghiệm của Hong Kong - một trong những trung tâm tài chính thế giới - có thể hỗ trợ TP HCM xây dựng trung tâm tài chính.

Chi riêng chứng khoán, Hong Kong có thị trường với vốn hóa 4.000 tỷ USD, hơn 2.000 công ty niêm yết. Đây cũng là lĩnh vực mà đặc khu này và TP HCM có tiềm năng hợp tác. Bà Bonnie Y Chan, CEO Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong (HKEX), cho biết có thể chia sẻ kinh nghiệm vì Sở đã vận hành thị trường sớm hơn TP HCM và có danh mục sản phẩm đa dạng.

"Nếu các sàn giao dịch trong khu vực hợp tác, chúng ta sẽ tạo ra hiệu ứng cộng hưởng tốt hơn, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu vào châu Á và Đông Nam Á. Và khi họ quan tâm, dòng tiền sẽ đổ vào nhiều hơn", bà nói thêm.

syy7671-jpg-1722604586-1722604-4076-6142-1722604938.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iiThXsG3JgZSP9mTS7QFLw

Ông Lý Gia Siêu, Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: HKTDC

Tại cuộc gặp với Trưởng Đặc khu Lý Gia Siêu và các doanh nghiệp Hong Kong, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cũng nhắc lại kế hoạch phát triển địa phương thành trung tâm tài chính khu vực, trong khi Hong Kong là trung tâm tài chính lớn của thế giới.

"Chúng tôi hy vọng hai bên tăng cường hợp tác. Các doanh nghiệp Hong Kong có thể chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm thực tiễn trong lộ trình phát triển hiệu quả của một trung tâm tài chính khu vực và thế giới", ông Mãi nói.

Hong Kong hiện giữ vị trí thứ 4 trên 133 thành phố được xếp hạng về "Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI)" của Z/Yen Partners (Anh) và Viện Phát triển Trung Quốc. Trong khi đó, TP HCM đứng thứ 108, tăng 12 bậc so với 2023.

Từ đầu những năm 2000, TP HCM đã định hướng phát triển thị trường tài chính, xem đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Từ đó, ý tưởng về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế được hình thành.

Thực tế, việc phát triển trung tâm tài chính khu vực và từng bước thành trung tâm tài chính quốc tế là định hướng quốc gia. Tháng 10/2023, Ban chỉ đạo xây dựng đề án này đã được thành lập, do Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm Trưởng ban.

Bên cạnh phát triển trung tâm tài chính, Trưởng Đặc khu Lý Gia Siêu muốn tăng hợp tác với Việt Nam về thương mại, đầu tư, tài chính ngân hàng, du lịch, hàng không và các lĩnh vực đang tăng trưởng như đổi mới và công nghệ (I&T), phát triển bền vững và tài chính xanh.

Đánh giá Việt Nam là một "ngôi sao kinh tế đang lên" nhanh chóng ở châu Á, ông Lý Gia Siêu cho rằng nền kinh tế đang bùng nổ tại đây sẽ tiếp tục mang đến nhiều cơ hội cho các công ty Hong Kong mở rộng và phát triển. Ngược lại, với bối cảnh nhiều công ty Việt Nam đang muốn mở rộng quốc tế thì Hong Kong cũng là điểm đến để niêm yết và làm cầu nối tiếp cận nhà đầu tư đặc khu, đại lục và thế giới.

Bà Bonnie Y Chan, CEO HKEX cũng cho biết các nhà đầu tư Hong Kong, Trung Quốc đại lục và quốc tế đều "ấn tượng và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam". "Các công ty đại lục muốn thiết lập cơ sở ngoài Trung Quốc thì Việt Nam là địa điểm hấp dẫn và phổ biến trong chiến lược 'Trung Quốc+1'", bà cho biết.

Hong Kong hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7, nhà đầu tư FDI lớn thứ 5 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 trong ASEAN, lớn thứ 7 thế giới của Hong Kong. Theo Tổng cục Hải Quan, kim ngạch thương mại song phương đạt 6,6 tỷ USD nửa đầu 2024. Các nhà đầu tư đặc khu rót vào Việt Nam 1,73 tỷ USD trong cùng giai đoạn.

Trong chuyến thăm đến Hà Nội và TP HCM, phái đoàn Hong Kong do ông Lý Gia Siêu dẫn đầu đã ký 30 biên bản ghi nhớ hợp tác với các cơ quan chính phủ, tổ chức, đại học và doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và đầu tư, tài chính, fintech, giao thông vận tải, cung ứng và giáo dục.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022