Một năm 12 tháng, tháng nào chả có trăng, chả có rằm, chả có trăng tròn nhưng sao chỉ có mỗi tháng 8 mùa Thu mới được gọi là "mùa trăng"? Một năm có nhiều ngày Tết, Tết Cơm mới, Đoan ngọ, Nguyên đán … trong đó có Tết Trung thu - Tết trăng tròn.
1. Xuân - Hạ - Thu - Đông, bốn mùa thay đổi, "Sen tàn cúc lại nở hoa". Tháng 7 là chớm Thu, tháng 9 là cuối Thu, tháng 8 là giữa Thu, là tháng "âm kim", kim nhất, Thu nhất. Đêm rằm Trung thu, trăng tròn giữa Thu là vậy. Trăng là thời gian, là ánh sáng, là hy vọng, cá chép ngắm trăng, lưỡng ngư vọng nguyệt, đèn cá, cá chép vượt vũ môn đều là hy vọng, là mơ ước về những điều tốt lành, gửi gắm vào trăng, tròn đầy vẹn toàn.
Trung thu là đề tài được nhiều nghệ sĩ quan tâm, không chỉ hội họa, còn có cả thi ca, âm nhạc… Nghệ thuật là cái đẹp, nó chắp cánh cho người ta được mơ mộng, được bay bổng, được thăng hoa ra khỏi cái bình thường, cái hàng ngày tẻ nhạt, không chỉ là chuyện đạt được ước mơ hay không, được mơ là được rồi. Ông tiến sĩ giấy trong mâm cỗ Trung thu là mơ ước về tri thức, học vấn. Mặt nạ của các nhân vật anh hùng là mơ ước về cái cao cả. Cũng chả cứ là mặt nạ anh hùng, mặt nạ chú Tễu cũng là mơ ước, mình được thoát khỏi mình để bỏ rơi con người xã hội trong chốc lát về với con người tự nhiên, để không còn phải son phấn, xã giao cầu kỳ, lề luật… tức là người ta đeo cái mặt giả vào để được bộc lộ cái mặt thật của mình.
Tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương
Chuyện mặt nạ cũng là chuyện thời sự, thời thế. Cái năm mà anh Phạm Tuân bay vào vũ trụ, chợ Trung thu ở phố Hàng Mã bày bán và bán rất chạy mặt nạ Phạm Tuân và phi công vũ trụ Liên Xô Go-rơ-bát-kô (Victor Gorbatko). Mấy năm sau VTV chiếu bộ phim truyền hình nhiều tập Fantômas, trẻ con rất thích đeo mặt nạ tên cảnh sát trưởng Phăng Tô Mát, rồi gần đây là mặt nạ người Nhện, người Dơi…
Chuyện Trung thu cũng là chuyện thời sự, thời thế. Trung thu 1971, lũ trẻ con ở Hà Nội chạy về quê sơ tán trốn B52 nhưng vẫn có mặt nạ Tôn Ngộ Không, đèn ông sao và cả đèn máy bay MIG 21 của Liên Xô v.v.. Các đồ chơi bằng sắt tây gò hàn bán trên phố Hàng Thiếc của làng Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) dịp Trung thu có nhiều loại tầu chiến to nhỏ khác nhau, đầy đủ súng ống. Chiến tranh vào cả đồ chơi xanh đỏ tím vàng. Trung thu cũng ra trận, cũng đẹp, cũng vui.
Trung thu là lễ hội, người lớn thì lễ. Lễ ban thờ Phật thì bánh nướng bánh dẻo chay, nhân hạt sen xát, nhân đỗ xanh, bưởi, hồng, cam…; ban gia tiên thì bánh mặn thập cẩm ngũ vị. Trẻ con thì hội, rước đèn, múa lân, múa rồng, phá cỗ…
Trung thu là Tết của gặp gỡ, sum vầy, đoàn tụ, hội ngộ, trao nhận yêu thương. Mùa trăng là mùa yêu thương, đấy mới là ý nghĩa đẹp nhất của mùa đặc biệt này.
2. Mùa Trăng là tên triển lãm và cũng là "concept" chính. Đây là một triển lãm thường niên của Nhóm họa sĩ G39, năm nay đã là năm thứ 9. Cũng là năm có số lượng nghệ sĩ tham gia đông nhất: 15 người với hơn 60 tác phẩm, cả tranh và điêu khắc. Bên cạnh đó còn có một tác phẩm Tháp ánh sáng được sắp đặt bằng các loại đèn, đèn ốc của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, đèn vuông, đèn tròn, đèn trăng của lớp vẽ thiếu nhi Sắc Xuân. Đặc biệt khoảng 60 chiếc đèn này đều làm ở Làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Hà Nội, một làng nghề đã trên 400 năm tuổi.
Tác phẩm của họa sĩ Bình Nhi
Những đèn - tranh do các em thiếu nhi vẽ, vẽ câu chuyện của chính các em, với nhiều ngây thơ, hồn nhiên, nhiều mầu tươi, sặc sỡ, nhiều niềm vui, nhiều trong sáng. Điều mà các họa sĩ lớn chắc gì đã vẽ được. Trung thu không chỉ là Tết của trẻ con nhưng dù gì thì các em vẫn là trung tâm của Tết trăng tròn. Nên các tác phẩm đèn - tranh là một điểm nhấn độc đáo của triển lãm Mùa Trăng.
Rằm là giữa tháng, Rằm Trung thu là giữa mùa Thu. Ở giữa là khó nhất, là đắc đạo thì dễ sao được? Cổ nhân không ai ca ngợi hào lục, vì lục là cùng, cùng thì biến, cao nhất là hào lục cũng là dễ đổ nhất, theo Lão Tử. Thái quá thì bất cập, khôn chết mà dại cũng chết. Trong các đại học trò của Phật Thích Ca có Bồ tát Long Thọ, chủ trương Trung Đạo, cái đạo ở giữa. Vì thầy Thích Ca đã chỉ giáo: Bình thường tâm thị đạo. Làm gì có cao thấp. Trần Thái Tông dặn bằng một bài kệ trong Khóa hư lục: "Mưa rơi không cao thấp/ Cành hoa có ngắn dài".
Đang nói chuyện trẻ con thì lại thành chuyện người lớn, mà Trung thu đã gõ cửa rồi, múa lân thôi, rước đèn thôi, phá cỗ thôi, ngắm tranh thôi, ngắm trăng thôi.
Xin được giới thiệu triển lãm Mùa Trăng tới bạn bè yêu nghệ thuật.
Triển lãm "Mùa Trăng" của nhóm họa sĩ G39 và Câu lạc bộ vẽ Sắc Xuân sẽ diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội từ 6 -20/9.