Chiều 26/7, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cùng Trung tâm Báo chí và Hợp tác Truyền thông Quốc tế đã có buổi làm việc quan trọng để thống nhất các nội dung trọng điểm trong kế hoạch tổ chức "Ngày hội Giao lưu khu vực Biên giới Tây Nguyên 2025", dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới tại thành phố Buôn Ma Thuột.
Điểm nổi bật tại cuộc họp là việc cập nhật và thống nhất nhiều điểm đổi mới trong nội dung chương trình – cả về quy mô tổ chức, cách tiếp cận văn hóa, định hướng truyền thông và ứng dụng công nghệ hiện đại.
Ông Nguyễn Chí Thức – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Báo chí và Hợp tác Truyền thông Quốc tế; Ông Trần Hồng Tiến – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk; TS. Võ Danh Hải – Chủ tịch Ủy ban Cố vấn chương trình "Ngày hội Giao lưu khu vực Biên giới 2025" tại cuộc họp ngày 26/7 (từ trái sang)
Theo đó, chương trình sẽ không chỉ dừng lại ở các hoạt động biểu diễn văn hóa – nghệ thuật truyền thống như cồng chiêng, múa xoang, triển lãm ảnh hay hội chợ sản vật địa phương… mà còn tích hợp không gian trải nghiệm công nghệ cao, lấy tên gọi "Tây Nguyên 360 độ – Từ trải nghiệm ảo đến cảm xúc thật". Đây là lần đầu tiên một ngày hội văn hóa vùng cao được ứng dụng đồng bộ công nghệ thực tế ảo (VR/AR), kết hợp với nền tảng truyền thông đa phương tiện, giúp du khách trong và ngoài nước có thể "chạm vào Tây Nguyên" trước cả khi đặt chân đến.
Không gian này bao gồm hệ thống tour du lịch ảo, mô hình hóa các điểm đến nổi bật, tích hợp video 360 độ, âm thanh thực địa và tư vấn trực tuyến từ các đơn vị lữ hành, khách sạn, homestay tại địa phương. Qua đó, du khách có thể tham quan, tìm hiểu, lên lịch trình và đặt tour ngay tại sự kiện – một bước tiến trong việc chuyển đổi số ngành du lịch vùng sâu.

Tiếng cồng chiêng được xem là ngôn ngữ thiêng liêng, cầu nối giữa con người và thần linh của đồng bào Ê Đê ở Đắk Lắk. Ảnh: Lê Đông - TTXVN

Dưới mái nhà dài, tiếng chiêng vang lên, già làng và cậu bé Ê Đê cùng hòa mình vào nhịp điệu thiêng liêng của núi rừng. Ảnh: Phạm Tuấn Anh - TTXVN
Một điểm mới đáng chú ý khác là sự xuất hiện của khu trải nghiệm "Tinh hoa Cà phê Tây Nguyên" – không chỉ trưng bày, pha chế và giới thiệu sản phẩm cà phê, mà còn tổ chức các phiên đối thoại mở với người trồng, nghệ nhân rang xay, chuyên gia thị trường quốc tế… nhằm kể câu chuyện từ hạt cà phê đến giá trị văn hóa – kinh tế – thương hiệu quốc gia. Đây được coi là nỗ lực thiết thực nhằm khẳng định vị thế Tây Nguyên không chỉ là "thủ phủ cà phê" về sản lượng, mà còn về văn hóa và giá trị gia tăng.
Ngoài ra, lần đầu tiên diễn đàn phát triển du lịch cộng đồng được tổ chức ngay trong khuôn khổ Ngày hội, quy tụ các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý văn hóa, doanh nghiệp lữ hành, cùng đại diện các già làng, trưởng bản, nghệ nhân và thanh niên dân tộc thiểu số từ 5 tỉnh Tây Nguyên. Diễn đàn sẽ bàn về hướng đi mới cho du lịch bền vững, gắn với gìn giữ bản sắc, phát triển mô hình homestay, ẩm thực bản địa và du lịch trải nghiệm.

Thu hoạch cà phê ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Hồng Tiến– Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk khẳng định: "Chúng tôi không tổ chức ngày hội theo lối mòn trình diễn, mà tập trung vào chiều sâu – làm sao để di sản sống, để cộng đồng được tham gia và hưởng lợi, để Tây Nguyên được kể lại câu chuyện của mình bằng chính ngôn ngữ hiện đại."
Ông Nguyễn Chí Thức – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Báo chí và Hợp tác Truyền thông Quốc tế cho biết: "Năm nay, công tác truyền thông sẽ mang tính đột phá: từ livestream song ngữ, sử dụng KOLs du lịch, triển khai mini series kể chuyện Tây Nguyên, đến thiết lập kênh phát sóng quốc tế về các không gian trải nghiệm đặc trưng của lễ hội. Mỗi hình ảnh, mỗi bài viết đều mang sứ mệnh giới thiệu Tây Nguyên ra thế giới."

Khách du lịch thích thú khi được trải nghiệm cưỡi voi tại Tây Nguyên. Ảnh: Phạm Tuấn Anh - TTXVN
Chủ tịch Ủy ban Cố vấn chương trình, TS. Võ Danh Hải, cho rằng: "Đây không chỉ là lễ hội – mà là một 'mô hình thử nghiệm vùng' về kết nối văn hóa – công nghệ – cộng đồng. Một khi làm tốt, Tây Nguyên sẽ không còn là biên giới địa lý, mà là trung tâm di sản có giá trị thời đại."

Dưới tán cây cô đơn giữa cánh đồng Tây Nguyên, những bóng người lặng lẽ bước đi trong ánh hoàng hôn rực rỡ, như một bản hòa ca giữa con người và thiên nhiên. Một khoảnh khắc huyền ảo, nơi quá khứ, hiện tại và tương lai giao thoa trong sắc màu của trời đất. Ảnh: Phạm Tuấn Anh - TTXVN
Với chủ đề "Tây Nguyên bản sắc – Kinh tế vững bền", chương trình "Ngày hội Giao lưu khu vực Biên giới 2025" được kỳ vọng sẽ trở thành sự kiện tiêu biểu kết hợp thành công giữa văn hóa – công nghệ – thương mại – truyền thông. Từ đó khẳng định Tây Nguyên không chỉ là vùng đất của sử thi và đại ngàn, mà còn là vùng đất của cơ hội, đổi mới và tương lai.