Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận tại 38/126 phường, xã. Trong đó, Tây Hồ 13 ca; Phượng Dực, Hát Môn 5 ca; Xuân Phương 4 ca; Yên Hòa, Long Biên 3 ca; Từ Liêm, Dân Hòa, Đại Mỗ, Đan Phượng, Hoàng Mai, Hà Đông, Phúc Lộc 2 ca...
Như vậy, cộng dồn năm 2025, Hà Nội ghi nhận 475 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa có người tử vong; số mắc giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Song, giới chức nhận định số mắc đang có xu hướng tăng do bước vào mùa cao điểm, thời tiết mưa nhiều, nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và truyền bệnh.

Bệnh nhân sốt xuất huyết với bàn tay đỏ au. Ảnh: Ngọc Thành
Bộ Y tế cũng ghi nhận cả nước có hơn 32.000 ca sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca giảm hơn 11%. Song, một số địa phương ghi nhận số ca cao so với cùng kỳ, như Bến Tre tăng 346%, Tây Ninh tăng 274%, Long An tăng 208%, Đồng Nai tăng 191%, TP HCM tăng 151%.
"Nếu các địa phương không triển khai biện pháp phòng chống quyết liệt ngay từ đầu mùa thì nguy cơ dịch bùng phát trong năm 2025 là rất lớn", ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế, nói.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường diễn biến nhanh, từ thể nhẹ chuyển sang nặng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Hiện biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và tránh muỗi đốt.
Lê Nga