Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, nếu Hội An có phố cổ như một bảo tàng sống về diện mạo thị cảng cổ xưa thì ở Lý Sơn có hệ thống nhà cổ truyền thống là di sản văn hóa có giá trị đặc biệt, mang nét đặc trưng của một làng chài, như bảo tàng sống về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa không gì có thể chối cãi...

Thật vậy, đến đất đảo, được thả mình vào không gian nhà cổ, được nhìn ngắm, chứng kiến những hiện vật đã qua hàng trăm năm, được giữ gìn, lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác mang nét đặc trưng không thể lẫn lộn các nơi khác.

dsc0555-16742094522741728780555.jpg

Một ngôi nhà cổ ở Lý Sơn

Ngôi nhà cổ của ông Dương Định (77 tuổi, ngụ An Hải, Lý Sơn) đã có niên đại gần 200 năm. Qua quá trình tu bổ, sửa chữa, ngôi nhà cổ vẫn được các thế hệ giữ gìn từng cửa gỗ, kèo, cột nhà kết chặt với nhau. Dù qua thời gian gần 200 năm truyền qua 7 thế hệ, ngôi nhà vẫn sừng sững giữa bão tố, mưa gió. Trong căn nhà này có một chiếc đĩa thượng cổ đã lưu giữ hơn 500 năm qua. Đến nay, ông Định cũng không biết xuất phát của chiếc đĩa, chỉ biết từ đời này truyền qua đời khác, cất giữ nơi gian thờ chính.

dsc0409-16742094521921478515190.jpg

Bố cục ngôi nhà cổ mang đậm nét truyền thống

Bố cục ngôi nhà cổ của ông Dương Định mang đậm nét truyền thống với kiểu 3 gian, 2 chái, hình chữ đinh, nhà chính và nhà phụ và có sân trước nhà – một đặc trưng trong dựng nhà của người dân miền Trung. Gian nhà chính là nơi thờ tự được bài trí hết sức công phu, chạm trổ rồng, phượng, họa tiết và khắc câu liễn. Bên ngoài là cột kèo rường cổ được chạm khắc sinh động thường gọi "kèo rau muống" chạm hình đầu rồng hoặc phụng.

dsc0630-16742094523801304764821.jpg

Gian nhà chính với nhiều họa tiết, chạm khắc công phu

Theo ông Định, mặc dù người xưa chỉ dùng gỗ mít, nhưng tuyệt nhiên không bị mài mòn, mục rỗng, chất sơn rất tốt nên gỗ được lưu giữ đến ngày nay. Việc dựng nhà chủ yếu làm bằng tay chứ không có máy móc, công cụ như bây giờ, kể cả từng mái ngói âm dương. "Để giữ được nguyên trạng cấu trúc ngôi nhà cổ của tiền nhân, mỗi năm tôi phải đầu tư hàng chục triệu đồng để tu sửa, chỉnh trang những chỗ hư hỏng. Mình là lớp con cháu hậu sinh nên phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn những gì ông bà tổ tiên để lại" - ông Định tâm sự.

2-1674211689033286818429.jpg

Phần cửa chính nhà cổ

Tại gian nhà cổ của ông Phạm Ngọc Tuyền (thôn Đông, An Vĩnh, Lý Sơn) có niên đại hơn 200 năm, trải qua 13 đời, ông Tuyền là hậu duệ đời thứ 7 của Cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật, ông lưu giữ nhiều bản tài liệu quý giá về Hoàng Sa, Trường Sa. Nhà cổ của ông Tuyền có kiểu 3 gian, 2 chái đặc trưng nhà cổ Việt, phía trước khoảng sân rộng, ông trồng cây cảnh và vườn trái cây sai quả quanh năm.

1-1674211689013538554229.jpg

Ngôi nhà cổ của dòng tộc họ Dương ở Lý Sơn

Theo người nhà ông Tuyền, chỉ riêng hệ thống cửa và hoành phi, liễn đối…, tiền nhân ông bà của dòng họ đã phải vào tận đất liền để mời thợ mộc Kim Bồng (Quảng Nam) và thợ chạm, cẩn xà cừ từ Thừa Thiên - Huế ra Lý Sơn để làm ròng rã hơn một năm.

dsc0598-1674209452332101547572.jpg

Kết cấu nhà cổ bằng gỗ hết sức đặc biệt

Bà Phạm Thị Hương – Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết toàn huyện Lý Sơn hiện còn 24 nhà cổ, tuổi đời từ 150-200 năm và được bảo tồn gần như còn nguyên vẹn.

"Ngoài yếu tố kết cấu nhà cổ hết sức đặc biệt, trong mỗi nhà cổ chứa đựng số lượng lớn văn bản Hán - Nôm, hiện vật liên quan đến Hải đội Hoàng Sa; là di sản văn hóa có giá trị đặc biệt, gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa..." - bà Hương nhấn mạnh.

Song song với chính sách hỗ trợ người dân bảo tồn nhà cổ, UBND huyện cũng kêu gọi các đơn vị lữ hành hợp tác với các tộc họ sở hữu nhà cổ, đưa du khách tham quan hệ thống nhà cổ theo mô hình du lịch cộng đồng, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022