Ca phẫu thuật giải phóng chèn ép thần kinh trụ được thực hiện trong 15 phút bởi Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Mạnh Khánh và ê kíp, hôm 26/7.

Từng là bác sĩ quân y chiến đấu tại Quảng Trị và chiến trường Tây Nam, ông Quảng bị mảnh đạn găm vào tay trong một trận đánh. Do điều kiện chiến sự khốc liệt, vết thương chỉ được xử lý tạm thời và dị vật kim loại nằm lại trong cơ thể ông suốt nhiều thập kỷ.

Gần đây, các triệu chứng tê yếu và đau nhức ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, buộc ông phải tìm đến đơn vị đầu ngành về ngoại khoa.

Theo bác sĩ Khánh, mảnh đạn đã gây chèn ép và làm tổn thương thần kinh trụ, là di chứng nặng nề nhất. Điều này dẫn đến suy giảm chức năng vận động và cảm giác của cánh tay cựu chiến binh.

Trong ca mổ, các bác sĩ ghi nhận thần kinh trụ bị xơ dính, xẹp, nên đã bóc tách, giải phóng hoàn toàn thân thần kinh. Còn mảnh đạn nằm sâu, gần các cơ quan quan trọng, nhưng không gây chèn ép, nên các bác sĩ quyết định để lại.

Nếu lấy ra, êkíp sẽ phải cắt qua nhiều lớp cơ, mô lành và các mạch máu, dây thần kinh nhỏ khác. Việc này có thể gây tổn thương không cần thiết, làm tăng nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng và kéo dài thời gian hồi phục sau mổ.

"Bệnh nhân là người cao tuổi, mắc nhiều bệnh nền, một cuộc phẫu thuật lớn, phức tạp và kéo dài để tìm, lấy dị vật sẽ đặt người bệnh vào những rủi ro lớn liên quan gây mê, biến chứng tim mạch, hô hấp...", bác sĩ cho hay.

Anh-chup-Man-hinh-2025-07-27-l-1470-3155-1753604414.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dSt5Aq1LWjynGtLRFCGqug

Bệnh nhân Ngụy Đình Quảng được các bác sĩ chia sẻ tình trạng bệnh sau ca phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sau mổ, chức năng vận động tay phải của cựu chiến binh cải thiện rõ rệt, không có biến chứng.

"Có những ca bệnh không chỉ là y khoa mà còn là câu chuyện của ký ức, của lòng tin. Bệnh nhân từng chiến đấu, từng chữa bệnh cho người khác, nay là người cần được chữa lành", bác sĩ Khánh tâm sự, nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Trung ương Quân đội 108, Chợ Rẫy, Quân y 175... thường xuyên tiếp nhận và phẫu thuật lấy mảnh đạn, bom bi cho các cựu chiến binh sau 40, 50, thậm chí 60 năm. Nhiều ca mổ rất phức tạp vì các mảnh kim loại nằm sâu, gần các dây thần kinh, mạch máu lớn hoặc trong các cơ quan nội tạng quan trọng như tim, phổi.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022