Mùa hè là thời điểm cao trào tại các phòng khám nhi chuyên về phát triển chiều cao và dậy thì sớm. Trong số đó, một trường hợp đáng chú ý khiến giới chuyên môn lên tiếng: một bé gái 6 tuổi ở Trung Quốc, trong lúc tập múa, người nhà phát hiện ngực phát triển bất thường. Kết quả khám tại bệnh viện cho thấy: bé bị dậy thì sớm.
Theo bác sĩ, khi bé gái (tên gọi tạm là Viên Viên) đến khám, ngực phải đã có dấu hiệu nhô lên, sờ thấy mô tuyến rõ rệt. Siêu âm ngực xác nhận tuyến vú phát triển, xương cũng có dấu hiệu trưởng thành sớm nửa năm so với tuổi thật, kết luận: dậy thì sớm do nguyên nhân từ hệ thần kinh trung ương. Hiện bé đã bắt đầu được điều trị và theo dõi sát sao.


Chia sẻ với truyền thông, mẹ bé Viên Viên cho biết con có chế độ sinh hoạt khá phổ biến hiện nay: thích ăn thịt, ít vận động, thức khuya (thường ngủ sau 11h đêm). Đáng chú ý, bé còn từng uống sữa non suốt nửa năm, vì người mẹ “đọc trên mạng thấy nói tốt cho tăng chiều cao và phát triển thể chất”.
Bỏng nặng phải nhập viện vì đi giác hơi chữa đau mỏi vai gáy: Trước khi làm cần ghi nhớ điều quan trọng
Theo đánh giá chuyên môn, dậy thì sớm không chỉ do một nguyên nhân, mà có thể đến từ nhiều yếu tố: chế độ ăn giàu đạm, đường, chất béo, thiếu vận động, thiếu ngủ và đặc biệt là lạm dụng các loại thực phẩm bổ sung không rõ cơ sở khoa học như sữa non, yến, sữa ong chúa...
Bác sĩ nhấn mạnh: “Nếu không có chỉ định cụ thể từ bác sĩ, phụ huynh tuyệt đối không nên tự ý cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm tăng cường như sữa non, yến, sữa ong chúa… vì nguy cơ ảnh hưởng nội tiết là có thật”.
Muốn con phát triển bình thường, phụ huynh cần tránh 4 sai lầm này
1. Ăn uống lệch lạc, dư dinh dưỡng
Trẻ nên ăn đa dạng hơn 12 loại thực phẩm mỗi ngày, hơn 25 loại mỗi tuần. Cần tăng cường rau củ, đạm thực vật (đậu, hạt), giảm thức ăn nhanh, đồ chiên, đồ ngọt, nước ngọt. Hạn chế rau trái trái mùa, tiềm ẩn chất kích thích tăng trưởng.
2. Dùng đồ nhựa, đồ dùng một lần tràn lan
Các chất như phthalate (chất làm dẻo nhựa) là chất gây rối loạn nội tiết, có thể xuất hiện trong đồ nhựa không rõ nguồn gốc, đồ dùng dùng một lần, mỹ phẩm. Khi hâm nóng (ví dụ đựng đồ nóng trong hộp nhựa) sẽ khiến các chất này phát tán mạnh hơn, trở thành yếu tố thúc đẩy dậy thì sớm.
3. Ngủ muộn, thiếu ngủ kéo dài
Trẻ tiểu học cần ngủ ít nhất 10 giờ mỗi ngày, học sinh THCS ít nhất 9 giờ. Ngủ muộn hoặc bật đèn ngủ suốt đêm có thể gây rối loạn đồng hồ sinh học, ảnh hưởng nội tiết.
4. Không theo dõi phát triển định kỳ
Nếu bé gái dưới 7,5 tuổi hoặc bé trai dưới 9 tuổi đã có dấu hiệu phát triển giới tính thứ cấp (như ngực nhú, mọc lông, thay giọng, tăng chiều cao đột ngột...), phụ huynh cần đưa đi khám ngay để kịp can thiệp.
Bác sĩ nhắc nhở: Không phải cái gì dán mác “bổ dưỡng” cũng tốt. Trong giai đoạn trẻ đang phát triển, việc dùng sai thực phẩm, sai thời điểm, không đúng cách… hoàn toàn có thể gây hậu quả không thể đảo ngược.
Thay vì tìm kiếm những sản phẩm “tăng chiều cao thần tốc”, “kích thích phát triển”, hãy quay lại nền tảng: ăn uống cân bằng - ngủ đủ - vận động đều và được theo dõi khoa học.
Nguồn và ảnh: QQ