Nhà văn Nguyễn Hoàng Diệu Thủy là một cái tên khá quen thuộc với Thể thao và Văn hóa khi từng đoạt giải Khát vọng Dế Mèn năm 2022 với truyện dài Đu đưa trên ngọn cây bàng.
Ngoài công việc biên tập viên ở một công ty sách, chị còn khởi xướng hoặc tham gia với tư cách giảng viên các khóa học online, mà gần nhất là khóa học về một chủ đề rất "thời thượng": Học viết với tôi - Học viết với AI. Do đó nói về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công việc sáng tạo nội dung, văn chương thì không thể không nhắc đến chị. Sau đây là bài viết của chị dành cho Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
Cách đây nhiều năm từ khi ChatGPT còn chưa xuất hiện, với tư cách một biên tập viên sách, tôi đã được mời tham gia một vài dự án nhỏ liên quan đến công cụ máy viết do Sakédemy xây dựng. Sakedémy là một tổ chức sản xuất nội dung và phát triển các khóa học, mà trước hết là học viết. Tôi đã tham gia một số buổi đào tạo về công cụ AI, đọc thẩm định các bài viết do máy viết, thử dùng các chatbot của họ… Kể ra cũng là người được tiếp cận khá sớm với lĩnh vực này.
Năm 2023, tôi cùng với Đinh Trần Tuấn Linh, người sáng lập Sakédemy tham gia hội thảo "AI and Publishing" tại Seoul, Hàn Quốc. Hội thảo có các biên tập viên từ các nước châu Á tham gia, đã gợi nhiều cảm hứng và ý tưởng cho chúng tôi. Trong hội thảo ấy, Tuấn Linh, người duy nhất vừa là một tác giả (bộ sách tranh Lê Bích), vừa là nhà sản xuất nội dung, vừa là một coder "sinh đẻ" ra các công cụ AI, đã nói: "Theo tôi một trong những bài học mà chúng ta rút ra hiện nay không phải là sẽ có cuộc cạnh tranh giữa người và máy, mà là giữa người biết dùng các công cụ AI và người không biết dùng".
Nhà văn Nguyễn Hoàng Diệu Thủy tham gia giảng dạy khóa học “Học viết với tôi - Học viết với AI”
Linh nói điều này sau khi những ảo tưởng về sự toàn năng của AI tan vỡ, khi những cộng tác viên của Saké như tôi liên tục nhận xét, máy viết chưa được, chưa được. Đối với việc biên tập sách, tôi cũng thấy bất khả, bởi để máy dựng một cuốn sách từ mớ nguyên liệu hỗn độn thì cũng có thể đấy, nó thậm chí cho ta nhiều phương án nữa, nhưng biên tập viên sẽ phải đọc thử từng bản với hàng trăm ngàn chữ để xem cái nào tốt, mà cái bản được tạm cho là tốt đó nào phải đã dùng được ngay. Tóm lại đấy sẽ là một công việc kiệt sức, chẳng thà tự xây dựng bản thảo ngay từ đầu và nắm bắt ngay lập tức điều mình muốn.
Cho nên Linh đi đến một nhận định thực tế như trên, dù cuộc "đi đến" này cũng khá là đau đớn. Nói một cách rõ ràng hơn, AI có thể chưa thay thế được bạn, chưa viết hoặc biên tập tốt như những người viết hay biên tập viên giàu kinh nghiệm, nhưng AI có thể là một trợ thủ đắc lực, nếu biết dùng nó hiệu quả.
*
Mùa Thu năm 2024, Sakédemy đề nghị tôi tham gia mở một khóa học mang tên "Học viết với tôi - Học viết với AI". Ban đầu, tôi ngần ngại lắm, vì soạn bài luôn là một hoạt động khốc liệt. Nhưng rốt lại vì ham cái mới, nên tôi quyết định trèo lên lưng hổ. Nhiều năm qua khi quan sát, đọc duyệt các bản thảo, đọc báo chí, tôi thấy có tình trạng nhiều người viết bị mất cơ bản, viết sai, viết thừa, viết thiếu hấp dẫn, nhiều người không thể tổ chức một bài viết ngàn chữ cho mạch lạc, và còn chưa viết đúng đã muốn viết "trưng trổ". Thành ra, một khóa học viết để khơi dậy niềm cảm hứng cũng như thái độ cẩn trọng với con chữ sẽ rất hữu ích.
Trong khi đó, AI ngày càng len lỏi vào lĩnh vực sáng tạo nội dung. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, những bài do AI tạo ra đã phủ sóng nhiều nơi, chỉn chu, sạch sẽ tinh tươm, nhưng trung bình, hầu như vô hồn. Điều này khiến những người tự tin vào khả năng viết của mình đắc ý nghĩ: "Dùng AI làm gì khi AI không thể viết tốt hơn tôi?". Những người không tự tin thì băn khoăn: "Nếu AI có thể làm thay tôi, thì tôi cần học viết để làm gì?".
Nhưng có một thực tế không dễ chịu mà những người làm chữ nghĩa đang phải đối mặt. Một là, những người viết tốt có AI hỗ trợ sẽ sản xuất nội dung tốt nhanh hơn những người khác. Hai là, những người chưa giỏi viết, thiếu kỹ năng viết cơ bản, nếu ỷ lại vào AI sẽ chỉ tạo ra những sản phẩm trung bình, bởi bạn không thể đào tạo một trợ lý AI thứ mà bạn chưa biết làm hoặc chưa làm tốt.
Xu thế sử dụng AI là không thể đảo ngược. Những người thành thạo có thể lựa chọn dùng hoặc không dùng công cụ AI, tùy vào vị trí của họ. Nhưng đối với những người mới tập tành, tình thế eo hẹp hơn: một mặt bạn phải học các kỹ năng viết cơ bản, mặt khác bạn phải học kỹ năng sử dụng công cụ AI, để vượt lên trong một thế giới tràn ngập nội dung trung bình và lặp lại.
Đó là lý do khóa học này được đặt tên: "Học viết với tôi - Học viết với AI", nhằm giải quyết câu hỏi: Làm thế nào để chúng ta viết tốt hơn và sử dụng AI một cách hiệu quả nhất?
Chúng ta thường phân chia việc viết thành hai thái cực: viết cho mình, tức là viết văn, viết để thỏa mãn cảm xúc và mưu cầu cái đẹp, nhưng lại ta coi đó là phù phiếm, không thực tế; viết cho người, tức là viết bài quảng cáo, PR, làm thương hiệu cá nhân hay câu view, thứ mà dù hữu dụng, lại thường nhạt nhẽo, thiếu cảm xúc. Nhưng thực tế, dù bạn viết cho mình hay viết cho người, thì mục đích cuối cùng vẫn là kết nối với độc giả. Để làm được điều đó, bài viết cần có "hồn" - thứ mà máy móc chưa thể bắt chước được.
Đồng hành cùng tôi có hai giảng viên giàu kinh nghiệm, dĩ nhiên đầu tiên là Đinh Trần Tuấn Linh. Người thứ hai Phạm Vân Anh, chuyên gia ứng dụng AI trong xuất bản, cũng là một biên tập viên, một dịch giả.
***
Học viên đến với khóa học này khá đa đạng, nhà báo, nhà nghiên cứu, các bạn trẻ làm truyền thông và marketing, sinh viên sắp tốt nghiệp…, với các độ tuổi cũng khác nhau.
Khi bắt tay vào soạn bài giảng, tôi rất căng thẳng. Một mặt, tôi muốn chia sẻ những kỹ năng viết cơ bản, hữu ích. Trước hết đó là kỹ năng viết những dạng bài phổ biến, bởi bài viết là một đơn vị hoàn chỉnh cơ bản, có thể co giãn và dùng được cho nhiều nền tảng khác nhau. Tiếp đó là cách để có được hành văn trong sáng, mạch lạc, sắc nét, có cảm xúc, khơi dậy được sức mạnh của ngôn từ. Tất cả đều cần rất rất nhiều ví dụ, tôi phải lọ mọ đi tìm ở khắp nơi.
Nguyễn Hoàng Diệu Thủy (thứ 2 từ phải sang) nhận giải Khát vọng Dế Mèn 2022
Mặt khác, tôi phải làm sao để phối hợp nhuần nhuyễn với Trần AI Editor. Đây là công cụ xây dựng trên nền tảng ChatGPT, dành riêng cho khóa học, và những ai có tài khoản ChatGPT mới có thể sử dụng. Trợ lý Trần AI Editor được Vân Anh phát triển (prompt) dựa trên bộ tư duy của biên tập viên, là tôi. Trợ lý sẽ thay tôi hướng dẫn học viên viết từng dạng bài, phát triển ý tưởng, gợi ý văn phong, hỗ trợ kiểm tra lỗi, và đánh giá toàn bộ bài viết. Trần AI Editor kiên quyết không viết thay, viết hộ, dĩ nhiên trừ phi… học viên biết cách hỏi khéo nó.
Để học viên có thể dùng Trần AI Editor, chính tôi phải dùng trước. Nhưng tôi phải dùng nó trong hai vai. Một mặt, tôi dùng trợ lý AI như thể một học viên chưa biết gì để được dẫn dắt. Mặc khác, tôi vẫn phải là một biên tập viên - giảng viên để đánh giá các gợi ý mà nó đưa ra. Quá trình làm việc với trợ lý AI của tôi trên từng dạng bài viết được sao chụp lại và chia sẻ với các học viên, để họ thấy có thể tận dụng những gợi ý nào của máy, nếu không tuân theo lời khuyên của trợ lý có thể gặp rủi ro gì, tuy vậy cũng cần biết cái gì nên bỏ qua, và biết hỏi máy đến đâu là đủ.
Bởi vì có một trợ lý tận tay như vậy nên sau khi nghe bài giảng, các học viên đều khá háo hức mày mò làm việc với Trần Ai Editor. Đây có lẽ là điểm khá khác biệt của khóa học này. Khi tôi giao bài tập viết bài cho các học viên, tùy ý tự viết hay có máy hỗ trợ viết, mọi người hào hứng làm bài tập.
Nội dung quan trọng thứ hai của khóa học là vận dụng AI. Tuấn Linh đã trình bày tổng quan về công cụ AI trong ngành sản xuất nội dung, thế mạnh của nó thế nào, nhược điểm của nó ra sao, tình thế của nhân loại và tình thế những người làm nội dung bây giờ là gì. Phần này hấp dẫn với cả chính tôi, vì nó đặt ra các vấn đề vĩ mô và giàu triết lý. Ví dụ, giới hạn có thể không nằm ở công cụ AI, giới hạn nằm ở khả năng sử dụng AI của bạn; hay chúng ta chính là những người đang khám phá những đường biên, vẽ nên bản đồ cho sự hợp tác giữa người và máy. Trong khi đó, Vân Anh trao đổi các nguyên tắc chung về việc giao tiếp với máy hiệu quả, và cách bạn có thể tạo trợ lý AI riêng, phù hợp với phong cách và nhu cầu viết của mình.
***
"Những người chưa giỏi viết, thiếu kỹ năng viết cơ bản, nếu ỷ lại vào AI sẽ chỉ tạo ra những sản phẩm trung bình, bởi bạn không thể đào tạo một trợ lý AI thứ mà bạn chưa biết làm hoặc chưa làm tốt" - Nguyễn Hoàng Diệu Thủy.
Phần giảng của tôi chiếm hai phần ba thời lượng khóa học. Tôi không phải là một giảng viên thường xuyên, mỗi năm chỉ dạy vài khóa ở đây đó, nên sau mỗi buổi dạy online nói hai tiếng liền tù tì không nghỉ, quai hàm của tôi sái đơ.
Nhưng chúng tôi vui thực sự khi thấy học viên hầu như không bỏ ngang mà tham gia đầy đủ từ buổi đầu đến buổi cuối. Cuối khóa còn nhận được các phản hồi dễ thương của học viên. "Hay, thật là vi diệu... Buổi nào đi học cũng thấy thú vị và có ích cả". "Tôi ý thức rõ ràng hơn với những gì mình viết ra". Có bạn còn lấy luôn khóa học làm chủ đề cho bài tập viết: "Khóa học giúp mình được khai sáng một điều: dù viết bằng cách nào, bằng công cụ nào, nếu không để cái tâm vào, không dùng cảm xúc để kết nối, thì những con chữ chỉ là sáo rỗng".
Có cả những cảm xúc sâu lắng hơn: "Tôi học cách lẩn mẩn nối những mạch cảm xúc, suy tưởng ở các chiều không gian khác nhau thành một câu chuyện tròn vẹn hơn, tựa như một con nhện cần mẫn nối sợi tơ này với sợ tơ kia thành một tấm lưới săn mồi vững chắc…Tôi nhận ra rằng học viết lại là một cách tôi học lại chính bản thân mình".
Vài nét về Nguyễn Hoàng Diệu Thủy
- Nhà văn - Biên tập viên sách
- Tác giả của: Trong vòng tay mẹ (2020) và Đu đưa trên ngọn cây bàng (2021, Giải thưởng Dế Mèn 2022); Cuốn cổ thư của một mẫu thần (2024)
- Diễn giả; giảng viên các khóa học kỹ năng biên tập