Sáng 9/7, ông Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin kết quả xét nghiệm 8/15 mẫu CDC tỉnh gửi giám định bệnh bạch hầu. 8 mẫu đều có kết quả âm tính, 7 mẫu còn lại chưa có kết quả do mới gửi bổ sung.

Trước đó, ngày 7/7, huyện Hiệp Hòa ghi nhận một ca dương tính với bạch hầu. Bệnh nhân là M.T.B (SN 2006), quê ở xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), đang tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa).

photo-1-17204997162151771483000.jpg

Nhân viên Trung tâm y tế huyện Hiệp Hòa lấy mẫu xét nghiệm. (Ảnh: Sỹ Quyết)

B và một người bạn cùng quê là M.T.S (SN 2006) ở chung phòng tại ký túc xá Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) với P.T.C (sáng 5/7, C tử vong do mắc bệnh bạch hầu).

Ngày 1/7, B và S bắt xe từ huyện Kỳ Sơn về huyện Hiệp Hòa, làm việc tại cơ sở karaoke Quán Lá, thôn Trung Tâm.

Từ ngày 2 đến 5/7, B và S có mặt tại 4 quán karaoke trên địa bàn các xã: Hợp Thịnh, Thường Thắng, Đại Thành (cùng huyện Hiệp Hòa) và quán karaoke 1990 ở thôn An Lạc, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội).

Sau khi xác định dương tính với bệnh bạch hầu, B được đưa tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị. CDC tỉnh xác định 8 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh (F1), đồng thời lấy mẫu gửi xét nghiệm.

Mở rộng truy vết, chiều qua, CDC tỉnh xác định thêm 7 trường hợp F1, thực hiện cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm (chưa có kết quả).

“Dù có kết quả âm tính song các trường hợp F1 vẫn phải cách ly, theo dõi sức khỏe và được điều trị dự phòng bằng kháng sinh trong vòng 7 ngày; theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc gần lần cuối với ca bệnh ”, ông Lê Tiến Cương cho biết.

Bạch hầu là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khả năng gây dịch, lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường hô hấp. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng truyền nhiễm thông qua vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh.

Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da bị tổn thương, gây bạch hầu da. Trung bình sau khoảng hai tuần nhiễm vi khuẩn, người bệnh có thể bắt đầu lây nhiễm cho người khác thông qua các hình thức nói trên.

Bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022