Khi nghe về đám cưới, người ta thường nghĩ đến bó hoa cưới thơm ngát, chiếc váy trắng tinh khôi và ánh mắt ngọt ngào đầy tình tứ của cô dâu, chú rể. Thế nhưng, đằng sau hào quang đó là cả một "cuộc chiến" tài chính không kém phần khốc liệt. Câu chuyện của tôi và ông xã tương lai cũng không ngoại lệ, mà còn có phần "đặc sắc" hơn hẳn những gì bạn thường thấy hay nghe.
Đến khi chuẩn bị lấy chổng rồi tôi mới hiểu vì sao ở các nước phương Tây người ta có thể ở với nhau cả đời thậm chí có với nhau mấy mặt con rồi nhưng khi nhắc đến 2 chữ "kết hôn" họ vẫn chần chừ, sợ hãi. Quả thật là kết hôn nó có quá nhiều thứ phức tạp, phức tạp đến mức có khi đang yêu đương đắm đuối tự nhiên chuẩn bị cưới xin cái thành ra cãi nhau ỏm tỏi tối ngày.
Tôi không biết những cặp đôi khác họ chuẩn bị cho hôn lễ như thế nào chứ tôi và người yêu sau mấy tháng chuẩn bị thì cũng đã đi đến quyết định đường ai nấy đi.
Chuyện bắt đầu từ lúc chúng tôi bắt đầu bàn bạc về vấn đề chi phí hôn lễ, anh ấy – người đàn ông của đời tôi, với vẻ ngoài lịch lãm và giọng nói trầm ấm – đã bày tỏ nguyện vọng muốn chia sẻ gánh nặng tài chính cùng tôi. Điều này nghe qua thì thật lãng mạn và công bằng, nhưng khi "đi vào chi tiết" thì mới thấy đây chính là một chiến lược tài chính đỉnh cao.
Trên cơ sở công bằng, chồng tương lai muốn tôi và anh cùng chia đôi chi phí hôn lễ. Chia từ những thứ như nhẫn cưới, tráp hỏi đến áo cưới, chụp ảnh cưới... Thật ra thì mặc dù không thoải mái lắm nhưng tôi hiểu anh đang có chút khó khăn về kinh tế nên tôi cũng định bụng sẽ đồng ý dù trong lòng rất tủi thân.
Thế nhưng không dừng lại ở việc "cưa đôi" chi phí, anh còn đề nghị tôi sẽ là người "ứng" trước hết toàn bộ chi phí ban đầu, rồi sau đó anh sẽ trả góp 1 nửa của anh sau. Đến đoạn này thì tôi thấy cấn thật vì tự nhiên có cảm giác mình bỏ tiền ra lấy chồng chứ không phải được người ta cưới hỏi về.
Chưa hết, câu chuyện càng trở nên thú vị khi tiết lộ ra "bí mật gia tộc" của nhà chồng sắp cưới. Hóa ra, trong quá khứ hào hùng, mẹ chồng tương lai đã từng ân cần trả giúp cho anh một khoản nợ "nhỏ xíu" lên tới 1 tỷ! Và bây giờ, anh trả ơn bằng việc gửi về cho mẹ hàng tháng 20 triệu.
Lương anh hiện tại là 25 triệu, còn lại 5 triệu thì anh xin phép để anh tiêu vặt trong tháng. Thế là đang yên đang lành, tự nhiên tôi đi lấy chồng rồi phải nuôi chồng luôn! Tôi nghe mà chỉ biết cười trừ, không biết là mình sắp lấy chồng hay sắp nhận con nuôi nữa.
Đương nhiên, theo đúng luật lệ của "gia tộc" anh, tất cả chi phí sinh hoạt, từ hóa đơn điện nước cho tới gói mì tôm cuối cùng trong nhà, đều sẽ do tôi chi trả. Thật ra đến đây tôi cũng nhận ra rằng với năng lực tài chính này thì chuyện anh có thể trả 1 nửa chi phí đám cưới là không thể.
Chị gái tôi sau khi nghe chuyện này đã cười lăn từ trên ghế xuống dưới đất. Chi phi cho 1 cái đám cưới bây giờ bèo bọt cũng phải hơn 100 triệu nhưng mà khoan nói đến tiền đi, riêng chuyện chấp nhận lấy 1 người đàn ông không cho mình nổi 1 cái đám cưới đàng hoàng đã là chuyện không nên rồi.
Thậm chí, chị tôi còn đặt ra giả thuyết không phải là không hợp lý: Có khi chẳng có khoản nợ 1 tỷ nào ở đây hết, chẳng qua anh ta không muốn đưa tiền cho vợ, chỉ muốn đưa tiền cho mẹ nên đã hợp thức hóa khoản tiền đó bằng khoản nợ từ lâu. Mà kể cả là có khoản nợ ấy thật đi chăng nữa thì bây giờ nếu anh ta sống cùng tôi nhưng lại muốn tôi bao nuôi thì khác nào bắt tôi gián tiếp trả khoản nợ đó cho anh ta.
Tính đi tính lại thì thôi dẹp! Lấy chồng thế này thì tôi thà ế đến cuối đời cũng được!