Vitamin C (acid L-ascorbic) là một trong những loại vitamin có khả năng tăng cường miễn dịch. Vì cơ thể không tự sản xuất được chất chống oxy hóa này nên phải bổ sung từ thực phẩm giàu vitamin C.

1. Vitamin C kích thích tổng hợp collagen

Cơ thể phụ thuộc vào vitamin C để tổng hợp collagen . Các chuyên gia sức khỏe cho biết, mức vitamin C đầy đủ là cần thiết cho quá trình sản xuất collagen. Collagen là loại protein dồi dào nhất trong cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong các mô liên kết như những mô được tìm thấy trong các cơ quan của chúng ta và cả tóc, da, móng tay.

Theo Đại học bang Oregon, sự tổng hợp collagen tăng lên cũng có nghĩa là vitamin C giúp vết thương mau lành.

vitamin-c-1736877520953558548961-1737212176706-17372121769741602172752.png

Vitamin C có giá trị quan trọng với sức khỏe.

2. Vitamin C kết hợp với sắt giúp hấp thụ tốt hơn

Một điểm cộng nữa của vitamin C là cách nó tương tác với các vitamin và khoáng chất khác trong cơ thể, chẳng hạn như sắt. Sắt hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển thích hợp, hỗ trợ khả năng vận chuyển oxy khắp cơ thể và giúp tạo ra một số hormone nhất định. Sắt nonheme, loại sắt có trong thực vật, có thể khó hấp thụ đối với cơ thể nhưng ăn vitamin C (và lý tưởng nhất là sắt heme, thường có trong thịt và hải sản) cùng lúc với sắt nonheme sẽ giúp hấp thụ tốt hơn, theo Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan.

3. Đóng vai trò trong tăng cường chức năng não

Vitamin C cũng đóng vai trò trong quá trình tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh và chức năng nhận thức. Theo Đại học Queensland, Australia, chất dẫn truyền thần kinh rất quan trọng trong việc gửi thông điệp từ não đến các bộ phận còn lại của cơ thể. Nhiều vitamin C hơn có thể liên quan đến việc tăng cường chức năng não. Một đánh giá có hệ thống trên Nutrients đã tìm thấy nồng độ vitamin C cao hơn ở những người tham gia nghiên cứu có nhận thức nguyên vẹn so với những người có nhận thức suy giảm.

4. Chất chống oxy hóa ngăn ngừa bệnh mạn tính

Nhiều lợi ích của vitamin C có thể bắt nguồn từ đặc tính chống oxy hóa của nó. Chất chống oxy hóa có tác dụng trung hòa các gốc tự do, là những chất dễ bay hơi và có hại được sản sinh trong cơ thể gây tổn thương cho các tế bào và mô.

Theo Mayo Clinic, chất chống oxy hóa có thể góp phần bảo vệ chống lại sự phát triển của các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như ung thư hoặc bệnh tim. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn đặc biệt là những nghiên cứu có sự tham gia của con người để chỉ ra liệu vitamin C có thể ngăn ngừa ung thư hoặc bệnh tim mạch hay không, theo Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan.

5. Vitamin C tăng cường hệ thống miễn dịch

Có lẽ lợi ích nổi tiếng nhất của vitamin C là tác dụng tích cực đối với hệ thống miễn dịch. Trong một đánh giá nghiên cứu, vitamin C được phát hiện có tác dụng hỗ trợ hệ thống miễn dịch bằng cách bảo vệ chống lại stress oxy hóa, hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn và giảm khả năng gây tổn thương mô. Sự thiếu hụt loại vitamin này đã được chứng minh là làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng. Đủ vitamin C có thể giúp phục hồi nhanh hơn khi bị cảm.

6. Vitamin C có thể hỗ trợ điều trị ung thư

Theo Mayo Clinic, vitamin C có thể làm cho xạ trị và hóa trị hiệu quả hơn khi dùng theo đường tĩnh mạch. Một nghiên cứu trên Anticancer Research phát hiện ra rằng liều lượng cao vitamin C giúp chống lại các tế bào ung thư vú khi kết hợp với thuốc chống ung thư. Những người tham gia nghiên cứu đã nhận được liều lượng vitamin C cực cao mà mọi người không thể có được thông qua chế độ ăn uống và thực phẩm bổ sung tại nhà. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên tự ý bổ sung vitamin C liều cao mà nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa. Thông thường, kết quả điều trị phụ thuộc vào loại ung thư, mức độ nghiêm trọng của ung thư và tình trạng sức khỏe tổng thể của từng cá nhân.

vitamin-c-tot-cho-mat-17368777215961624547582-1737212177559-17372121777131644225844.jpg

Thực phẩm giàu vitamin C tăng cường chất chống oxy hóa.

7. Vitamin C giàu chất chống oxy hóa bảo vệ mắt

Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ lưu ý rằng vitamin C có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh đục thủy tinh thể và làm chậm quá trình tiến triển của thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD). Cụ thể, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc dùng 500 mg mỗi ngày như một phần của chất bổ sung hàng ngày làm chậm quá trình tiến triển của bệnh ở những người bị AMD ở mức độ trung bình, có thể là do đặc tính chống oxy hóa của nó. Tuy nhiên, nên thảo luận với bác sĩ nhãn khoa trước khi dùng bất kỳ chất bổ sung nào trong thời gian dài.

8. Một số thực phẩm giàu vitamin C

Các loại trái cây:

Ổi: Ổi là một nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời, thậm chí còn nhiều hơn cả cam. Ngoài ra, ổi còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin A, B và các khoáng chất khác.

Cam, chanh, quýt và các loại trái cây họ cam quýt khác: Đây là những nguồn vitamin C phổ biến. Một quả cam trung bình chứa khoảng 83 mg vitamin C.

Kiwi: Một quả kiwi cỡ trung bình chứa khoảng 70 mg vitamin C.

Dâu tây: Dâu tây cũng là một nguồn vitamin C tốt, cùng với các chất chống oxy hóa và chất xơ.

Đu đủ: Một cốc đu đủ có thể cung cấp đủ lượng vitamin C bạn cần trong một ngày.

Nho đen: Nho đen cũng chứa một lượng đáng kể vitamin C.

Các loại quả khác: Sơ ri, vải thiều, hồng, dứa, chùm ruột, xoài, cóc, bưởi, chanh dây...

Các loại rau củ:

Ớt chuông (đặc biệt là ớt chuông đỏ): Đây là một trong những loại rau củ chứa nhiều vitamin C nhất. Nửa chén ớt chuông đỏ có thể chứa tới 95 mg vitamin C.

Bông cải xanh: Nửa chén bông cải xanh nấu chín chứa khoảng 50 mg vitamin C.

Cải xoăn: Cải xoăn cũng là một nguồn vitamin C tốt, cùng với nhiều vitamin và khoáng chất khác.

Cà chua: Một quả cà chua cỡ trung bình chứa khoảng 20 mg vitamin C.

Các loại rau củ khác: Cải bó xôi, bắp cải tím, súp lơ trắng, rau mùi tây...

Lưu ý khi bổ sung vitamin C

Vitamin C dễ bị phá hủy bởi nhiệt độ cao, vì vậy nên ăn trái cây và rau củ tươi sống hoặc chế biến ở nhiệt độ thấp. Bổ sung vitamin C từ thực phẩm tự nhiên luôn được ưu tiên hơn so với việc sử dụng viên uống bổ sung. Theo Văn phòng Thực phẩm bổ sung của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), phụ nữ trưởng thành cần 75 mg vitamin C mỗi ngày và nam giới trưởng thành cần 90 mg.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022