Bác sĩ Hoàng Công Minh, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết biến chứng viêm cơ tim xảy ra khi người bệnh ở giai đoạn toàn phát hoặc vài tuần sau khi khỏi bệnh. Trường hợp viêm cơ tim xuất hiện vào những ngày đầu của bệnh, người bệnh thường có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

Viêm cơ tim xảy ra ở 10-20% số ca bạch hầu hô hấp. Tỷ lệ tử vong 60-70% số ca viêm cơ tim bạch hầu. Bác sĩ cho rằng con số này trên thực tế có thể cao hơn, và hầu như chỉ xảy ra ở người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.

"Viêm cơ tim là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh bạch hầu và là nguyên nhân gây tử vong phổ biến", bác sĩ Minh nói, thêm rằng đây được coi là "một tình trạng đe dọa tính mạng" nhưng nếu sử dụng huyết thanh chống bạch hầu kịp thời và chăm sóc hỗ trợ tích cực có thể điều trị bệnh thành công.

Bác sĩ lý giải độc tố bạch hầu ảnh hưởng mạnh đến tế bào cơ tim và hệ thống dẫn truyền tim, làm thoái hóa cơ tim khiến chức năng co bóp giảm, viêm cơ tim xảy ra. Kể cả điều trị khỏi bạch hầu, tế bào cơ tim bị tổn thương được thay thế bằng mô xơ nên bệnh nhân vẫn có thể mắc di chứng lâu dài.

Biểu hiện biến chứng tim mạch trong bệnh bạch hầu rất đa dạng, nhưng đặc trưng là rối loạn chức năng co bóp cơ tim và rối loạn nhịp tim. Đôi khi bệnh nhân bị viêm màng ngoài tim và viêm nội tâm mạc. Viêm cơ tim thường biểu hiện muộn vào cuối tuần thứ hai của bệnh. Trường hợp nhiễm trùng nặng, viêm có thể xuất hiện sớm hơn.

Các phương pháp chẩn đoán hiện đại, như theo dõi huyết áp xâm lấn, theo dõi điện tim liên tục và siêu âm tim, có thể giúp chẩn đoán và phát hiện sớm rối loạn chức năng tim, rối loạn nhịp. Tuy nhiên, phác đồ điều trị hiện chủ yếu là hỗ trợ nhằm duy trì các thông số huyết động bình thường. Thuốc chống loạn nhịp chỉ được sử dụng cho tình trạng rối loạn nhịp tim nhanh và kéo dài, không dùng điều trị dự phòng.

Bệnh nhân bị viêm cơ tim bạch hầu nặng và rối loạn nhịp tim chậm có thể được đặt máy tạo nhịp tim tạm thời. Tuy nhiên, hiệu quả phụ thuộc vào mức độ tổn thương hệ thống dẫn truyền và dự trữ cơ tim của bệnh nhân.

1-jpeg-5734-1720758968.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uS7olnPhTdPc8byMsHGGMQ

Nhân viên y tế ở Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu cho người dân, tháng 7/2024. Ảnh: Hùng Lê

Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) gây nên, chủ yếu lây truyền theo đường hô hấp và có thể gây dịch. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 70% là ở trẻ dưới 15 tuổi và chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Tỷ lệ tử vong của bệnh 5-10%.

Nguồn lây nhiễm là bệnh nhân hoặc người lành mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh. Bệnh lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người bệnh lúc ho, hắt hơi, hoặc gián tiếp qua đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.

Triệu chứng lâm sàng thường bắt đầu 2-5 ngày sau khi nhiễm trùng mũi họng, gồm đau họng, khó chịu, ho, khàn giọng, nuốt đau, chảy nước mũi có máu và chảy nước bọt. Bệnh nhân sốt nhẹ hoặc không sốt.

Đặc trưng của bệnh là tổn thương có màng màu trắng xám, ban đầu phủ amidan sau đó nhanh chóng lan đến lưỡi gà, vòm miệng mềm và thành sau của họng, gọi là giả mạc. Trường hợp nghiêm trọng, giả mạc cản trở đường thở, gây suy hô hấp. Tổn thương hệ thống xảy ra khi độc tố bạch hầu lan truyền vào máu, dẫn đến tổn thương tim, thận và dây thần kinh ngoại biên.

Điều trị bạch hầu bằng cách sử dụng sớm thuốc kháng độc tố bạch hầu và thuốc kháng sinh. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ tử vong tăng hàng ngày nếu trì hoãn sử dụng thuốc kháng độc tố bạch hầu, từ 4,2% trong hai ngày đầu mắc bệnh lên 24% vào ngày thứ năm của bệnh.

"Thuốc kháng độc tố được coi là nền tảng trong việc ngăn ngừa các biến chứng nặng và cần phải có sẵn", bác sĩ Minh nói.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022