Người này vốn không có tinh hoàn, vẫn lấy vợ và sinh hai con gái. Bác sĩ nhận định đây là trường hợp ẩn tinh hoàn hai bên, trong đó tinh hoàn phải bị ung thư, tinh hoàn trái bị teo. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, sau đó điều trị bằng hóa chất bổ trợ và nội tiết.

Ngày 15/7, bác sĩ Nghiêm Trung Hưng, khoa Nam học, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết tinh hoàn ẩn là một trong những dị tật bẩm sinh phổ biến của đường tiết niệu sinh dục nam. Khoảng 0,4% nam giới bị ẩn tinh hoàn. Bệnh lý này xuất hiện ở 5-6% trẻ sơ sinh đủ tháng và 25% trẻ sơ sinh non. Tinh hoàn ẩn gây vô sinh, teo hoặc ung thư bộ phận này.

1-jpeg-1721032731-1473-1721032-8194-2596-1721051363.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gqENhDBRf2q1Tay6-qQnRw

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Hưng dẫn kết quả một nghiên cứu cho thấy khoảng 5-10% nam giới mắc ung thư tinh hoàn bị ẩn tinh hoàn. Sự biến đổi ác tính thường biểu hiện ở năm 30-40 tuổi. Có hai giả thuyết về sự phát triển khối u trong các tinh hòa ẩn. Một là nhiệt độ trong ổ bụng cao hơn so với ở bìu làm suy yếu quá trình chuyển đổi tế bào sinh tinh ở trẻ sơ sinh thành tinh nguyên bào và gây biến đổi theo hướng ác tinh sau tuổi dậy thì. Hai là có sự biến đổi tiềm ẩn từ khi tinh hoàn thai nhi phát triển trong tử cung của người mẹ gây ẩn tinh hoàn và ác tính hóa.

Bác sĩ Hưng khuyến cáo thời gian thích hợp để phẫu thuật hạ tinh hoàn là trước 2 tuổi.

"Phẫu thuật hạ tinh hoàn ẩn có thể không ngăn ngừa được sự phát triển thành ung thư ở tất cả trường hợp, song chắc chắn giúp phát hiện sớm ung thư tinh hoàn", bác sĩ nói.

Lê Nga

Tin 24H

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022