Tỷ lệ bệnh nặng nhập viện và tử vong do cúm tại nước ta cũng ở mức cao, theo chia sẻ của các chuyên gia trong hội thảo về bệnh cúm mùa do Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức, ngày 7/9. Đây là thống kê gần đây nhất về bệnh cúm được công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới The Lancet.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết thời gian qua có những ngày bệnh viện tiếp nhận 300-500 trẻ xét nghiệm cúm dương tính, trong tổng số 4.000-5.000 trẻ vào viện khám. Trong đó, nhiều trẻ phải nhập viện điều trị, tăng so với trước đây, có những thời điểm quá tải giường bệnh. Đặc biệt, năm nay bệnh nhân phía Bắc tăng ngay thời điểm mùa hè, trong khi những năm trước chủ yếu nhập viện các tháng cuối năm.
Hơn 20 năm làm trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Hải nhận thấy trước đây mọi người vẫn xem bệnh cúm là bình thường, do chỉ gây hắt hơi sổ mũi rồi khỏi, điều trị ngoại trú. Sau đó, Việt Nam bắt đầu ghi nhận một số trường hợp biến chứng do bệnh cúm. Đến năm 2019, thống kê cho thấy khoảng 45% trẻ mắc cúm có biểu hiện thần kinh với triệu chứng co giật, li bì, trong đó 6,5% bị viêm não.
Hiện nay, số bệnh nhân gặp biến chứng viêm phổi, suy hô hấp chiếm tỷ lệ cao. Cúm còn có thể gây biến chứng viêm tai giữa, viêm cơ tim gây nguy hiểm tính mạng, làm nặng hơn với người có bệnh nền. Có những trẻ nằm viện 2-3 ngày, điều trị ổn chuẩn bị cho xuất viện thì bất ngờ sốt lại rồi diễn tiến nặng.
"Điều nguy hiểm là virus cúm có tỷ lệ biến đổi gene khá cao. Khi virus nhân lên sẽ có những sai sót ở hệ thống gene, tuy chưa đủ tạo thành chủng cúm mới nhưng độc lực có thể khác", bác sĩ phân tích. Virus cúm có thể cư trú nhiều vật chủ khác nhau như người, gà, lợn, dẫn đến khả năng tiếp xúc mầm bệnh lớn.
Ngoài ra, các điều kiện như lưu thông không khí kém và nhiệt độ thấp khiến virus tồn tại lâu trong môi trường máy lạnh, tập trung đông người, không mở cửa sổ thông thoáng... khiến số ca bệnh tăng. Bên cạnh đó, đặc tính lây bệnh qua giọt bắn khiến virus bao phủ trong không khí rất lớn, lây nhiễm nhiều ra xung quanh khi người bệnh hắt hơi. Thời điểm tựu trường như hiện nay cũng là lúc trẻ nhỏ, học sinh đến trường, thường xuyên tiếp xúc cộng đồng, nguy cơ nhiễm bệnh tăng cao.
Bệnh nhi cúm suy hô hấp được bác sĩ vỗ long đờm tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tháng 7/2022. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Viện Pasteur TP HCM, dịch bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam thường lưu hành quanh năm, có những thời điểm nhiều bệnh xảy ra cùng lúc gây "dịch chồng dịch". Thời gian qua, dịch Covid trội lên, người dân tăng cường các biện pháp phòng chống như khẩu trang, khử khuẩn, hạn chế tụ tập đông người..., cũng giúp phòng ngừa bệnh cúm tốt. Khi Covid được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường, mọi người lơ là phòng ngừa, cúm dễ có nguy cơ bùng phát trở lại. Chưa kể, năm vừa qua nhiều nơi giãn cách xã hội, cơ sở y tế ngưng hoạt động cũng cản trở việc tiếp cận vaccine cúm của người dân, dẫn đến số ca mắc sẽ tăng.
"Điều quan trọng là cúm đã có vaccine phòng ngừa nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam chưa đến 2% dân số, trong khi với bệnh truyền nhiễm thì tỷ lệ bao phủ vaccine phải đạt 70-80% mới đạt yêu cầu", bác sĩ Tuấn nói. Vaccine là biện pháp quan trọng để có miễn dịch chủ động, bên cạnh biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối, ăn uống đủ chất và luyện tập thể thao để tăng cường đề kháng, nâng cao thể trạng.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên tiêm cúm định kỳ hàng năm, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai nặng, người già trên 65 tuổi, người bệnh mạn tính bởi đây là nhóm có nguy cơ diễn tiến nặng, tử vong cao. Dịch cúm tại Việt Nam lưu hành quanh năm, lúc nào cũng có thể bùng dịch nên cần chủng ngừa sớm khi thuận tiện và duy trì tiêm nhắc lại định kỳ.
Trả lời câu hỏi "tại sao phải chích vaccine cúm hàng năm?", bác sĩ Tuấn cho rằng virus cúm thường xuyên biến đổi, diễn tiến dịch mỗi năm khác nhau. Các cơ quan y tế có 126 điểm giám sát cúm toàn cầu, ghi nhận chủng nào phổ biến để đưa vào vaccine cúm. Bên cạnh đó, hệ thống miễn dịch cơ thể đáp ứng vaccine cúm không bền vững, tầm 18-24 tháng sẽ hết nên cần chủng ngừa nhắc lại hàng năm để củng cố và duy trì lượng kháng thể.
"Nhiều người dân không biết đến vaccine cúm hoặc biết nhưng ngại tiêm, sau đó được bác sĩ tư vấn tiêm một lần, thấy rõ hiệu quả, sự khác biệt so khi chưa tiêm nên mới duy trì đúng lịch chủng ngừa", bác sĩ chia sẻ.
Lê Phương