"Trung bình sau kỳ nghỉ lễ Tết, số ca bệnh cấp cứu tăng khoảng 10-20%. Đợt này, số ca tăng kỷ lục gần 420, so với ngày thường chỉ khoảng 300. Khoa đã có sự chuẩn bị từ trước nên không ảnh hưởng đến việc chữa trị", bác sĩ Vũ Dzuy, Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cho biết.

Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế, một trong những bệnh viện tuyến cuối lớn nhất Việt Nam, tiếp nhận hàng nghìn lượt khám chữa bệnh mỗi ngày. Trong 4 ngày nghỉ lễ, đơn vị này cấp cứu hơn 1.200 trường hợp, cao điểm ngày 4/9 tiếp nhận 322 người. Số lượng bệnh nhân tiếp tục tăng sau kỳ nghỉ.

Theo bác sĩ Dzuy, Khoa Cấp cứu phải huy động toàn bộ nhân viên, không giải quyết nghỉ phép, kể cả người đang đi học cũng về trực, dự phòng tình huống đột biến có thể xảy ra. Trong khi đó, công việc cấp cứu đòi hỏi bác sĩ phải am hiểu nhiều chuyên khoa, biết nhận định tình hình, xử trí nhanh, tranh thủ thời gian vàng để cứu bệnh nhân.

"Gần đây, chúng tôi có thêm áp lực từ xã hội, chẳng hạn người nhà bệnh nhân yêu cầu được phục vụ tốt hơn, nhu cầu cao hơn. Một số trường hợp bạo hành nhân viên y tế", bác sĩ nói.

Khó khăn lớn nhất là bệnh nhân được chuyển đến vào cùng một thời điểm, đặc biệt vào buổi chiều với nhiều nhóm bệnh khác nhau, trong đó có nhiều trường hợp nặng và nguy kịch, tạo áp lực không nhỏ đến nhân viên y tế. Một thách thức khác là nhiều người bệnh say xỉn, la hét, vùng vẫy, không hợp tác với bác sĩ.

ca-p-cu-u-ki-n-giu-o-ng-7652-1662459945.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qf92LKCdmK6UnJlQHtSUJg

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kín giường bệnh, chiều 5/9. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Mỗi tua trực tại đây có khoảng 40 nhân sự. Sau khi tiếp nhận, xử trí ban đầu, bệnh nhân đủ điều kiện chuyển lên các khoa phòng sẽ được giải quyết ngay để có chỗ nhận ca mới.

Tương tự, trong dịp nghỉ lễ 2/9, phòng khám Cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận gần 238 ca tai nạn giao thông, nhiều trường hợp bị chấn thương sọ não. Đa số bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành phía Bắc. So với năm ngoái, số ca cấp cứu nhập viện tăng hơn do dịch Covid-19 đã ổn định, người dân đi lại nhiều.

"Đặc biệt, bệnh nhân chấn thương sọ não cần phải mổ rất nhiều. Nhiều tai nạn để lại di chứng rất nặng nề, có trường hợp phải phẫu thuật từ 4 đến 5 lần", bác sĩ Phạm Gia Anh, Trưởng khoa Ung bướu, cho biết.

Việt Đức là bệnh viện chuyên khoa đặc biệt tuyến Trung ương thuộc Bộ Y tế, một trong những trung tâm phẫu thuật lớn của cả nước với hơn 2.000 y bác sĩ.

Lê Phương - Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022