Phát hiện này vừa được công bố trên tạp chí Nature Communications, do Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc WHO phối hợp với các trung tâm nghiên cứu tại Trung Quốc thực hiện. Các nhà khoa học đã theo dõi gần 74.000 người ở miền Nam Trung Quốc trong vòng 8 đến 10 năm, xác định 1.990 trường hợp ung thư, đồng thời kiểm tra sự hiện diện của kháng thể EBV trong cơ thể họ.
Nghiên cứu mới chỉ ra rằng những người có kháng thể EBV có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 5 lần so với người không có kháng thể. Nguy cơ này tăng dần theo mức độ kháng thể trong người.
"Phát hiện này giúp chúng tôi hiểu sâu hơn mối liên hệ giữa nhiễm EBV và nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau", tiến sĩ Zisis Kozlakidis, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Trong số các loại ung thư liên quan, nguy cơ cao nhất là ung thư vòm họng, loại ung thư hiếm ảnh hưởng đến phần họng nối giữa mũi và miệng. Người mang kháng thể EBV có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 26 lần. Ngoài ra, EBV còn liên quan đến ung thư phổi, ung thư gan và các dạng u lympho.

Virus Epstein-Barr là một trong những loại virus phổ biến nhất ở người trên thế giới và lây lan chủ yếu qua nước bọt. Ảnh: Dreamstime
Các nhà nghiên cứu thừa nhận một số hạn chế trong nghiên cứu, như khả năng không đại diện cho các nhóm dân số khác và các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả. Tuy nhiên, phát hiện này củng cố bằng chứng về vai trò gây ung thư của EBV và mở đường cho các nghiên cứu sâu hơn nhằm tìm hiểu cơ chế di truyền mà virus gây ra trong tế bào.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng không phải ai nhiễm EBV cũng sẽ mắc ung thư. Tuy nhiên, virus có thể kích hoạt những thay đổi di truyền làm tăng nguy cơ ung thư ở một số người. Việc nhận thức được nguy cơ này có thể giúp mọi người chú ý đến các dấu hiệu sớm của bệnh và chủ động kiểm tra khi cần thiết.
EBV lây lan dễ dàng qua nước bọt và các dịch cơ thể, thường không gây triệu chứng rõ rệt. Nó có thể gây bệnh bạch cầu đơn nhân (mono), còn được gọi là "bệnh hôn".
Thục Linh (Theo Euro News)