img20220914161645-1663153266421722443716-158-0-956-1276-crop-16631532737711906119019.jpgTừ vụ "gửi con chữa bệnh, nhận về hũ tro cốt": Có nên tách trẻ tự kỷ ra khỏi gia đình để cho đi chữa bệnh hoặc học tập?

GiadinhNet - "Tách biệt trẻ ra khỏi môi trường gia đình để đến ở hẳn nơi chữa bệnh, can thiệp với mong muốn con mình khỏi bệnh xem ra còn có hại cho trẻ" - ThS Nguyễn Hà Ly - Giám đốc Trung tâm Giáo dục kỹ năng cho trẻ có nhu cầu đặc biệt Akari (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho hay.

Không phải cứ chậm nói là tự kỷ

Những ngày qua, vụ việc "Gửi con đi chữa bệnh nhận về hũ tro cốt" đang gây rúng động trong dư luận. Theo đó, nạn nhân trong vụ việc đau lòng trên là một em bé 3 tuổi, có dấu hiệu chậm nói, chậm đi và được người tự xưng là có khả năng điều trị cho trẻ bị tự kỷ "chẩn đoán" bé bị chậm phát triển trí tuệ.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, số trẻ có xu hướng chậm nói ngày càng phổ biến. Điều này gây ra lo lắng cho cha mẹ và không ít người đặt ra hoài nghi: Liệu có phải trẻ chậm nói, chậm đi là đã mắc hội chứng tự kỷ hay không. Làm thế nào để có thể xác định chính xác tình trạng của trẻ?

tre-cham-noi1-16496787228591059729338-1663314745815-1663314746522723293168.png

Các bác sĩ can thiệp cho trẻ chậm nói. Ảnh TL

Về vấn đề này, theo PGS.TS Tôn Nữ Vân Anh, Phó Trưởng Khoa Nhi thần kinh tự kỷ, Bệnh viện Trung ương Huế, việc chẩn đoán trẻ tự kỷ dễ nhầm lẫn với trẻ chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ, giảm thính lực, tăng động giảm chú ý… Mặc dù chậm nói là dấu hiệu điển hình của chứng tự kỷ ở trẻ nhưng không phải cứ chậm nói là tự kỷ.

PGS.TS Tôn Nữ Vân Anh phân tích, ở trẻ chậm nói đơn thuần, ngôn ngữ của trẻ vẫn phát triển nhưng tốc độ chậm hơn so với các trẻ cùng độ tuổi khác. Đối với trẻ chậm nói, khả năng nghe hiểu, tương tác với người khác vẫn bình thường.

Nguyên nhân dẫn đến chậm nói đơn thuần thường liên quan đến rất nhiều yếu tố, chủ yếu do các bệnh lý hay các khiếm khuyết cơ thể, chẳng hạn như bệnh lý thực thể: hở hàm ếch, thắng lưỡi (phanh lưỡi); bệnh lý vận động miệng gây ra các vấn đề liên quan đến rối loạn xử lý âm thanh như bệnh loạn vận ngôn hay các bệnh lý về thính giác, nhiễm trùng tai như nhiễm trùng tai, viêm tai giữa mãn tính khiến trẻ khó khăn trong tiếp nhận ngôn ngữ, khó có thẻ nghe và bắt chước ngôn ngữ từ người lớn.

Một số nguyên nhân khác như trẻ thiếu sự quan tâm, không được nói chuyện ngay từ thủa nhỏ; bé sử dụng các thiết bị điện thoại quá nhiều, chỉ xem các thiết bị đó từ nhỏ mà không chú ý đến xung quanh cũng có thể bị chậm nói; các chấn thương tâm lý cũng có thể liên quan đến chứng chậm nói ở trẻ nhỏ; di chứng sau các phẫu thuật não bộ từ khi mới ra đời…

Trong một số trường hợp, trẻ chậm nói đơn thuần có thể đạt được các mốc phát triển như những bạn cùng lứa tuổi mà không cần can thiệp gì. Nhưng số khác cần sự trợ giúp từ gia đình, các chuyên gia tâm lý, bác sĩ mới có thể bắt kịp các kỹ năng ngôn ngữ như bình thường.

Theo PGS.TS Tôn Nữ Vân Anh, để nhận biết chính xác trẻ chậm nói có phải bị tự kỷ hay không, ngoài dấu hiệu nhận biết, cha mẹ nên cho bé đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để thực hiện các bài đánh giá.

Làm thế nào để nhận biết trẻ có bị tự kỷ hay không?

BS Thành Ngọc Minh, Trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện chưa có một nghiên cứu khoa học nào chỉ ra chính xác nguyên nhân trẻ mắc tự kỷ. Một số yếu tố góp phần hình thành chứng tử kỷ ở trẻ bao gồm: Yếu tố di truyền, gia đình, môi trường sống; thời kỳ mang thai mẹ thường xuyên tiếp xúc với nhiều chất độc hại như thuốc lá, rượu bia, ma túy... làm tăng nguy cơ trẻ tự kỷ sau khi sinh ra…

Tự kỷ là một rối loạn phát triển kéo dài suốt đời ảnh hưởng đến cách giao tiếp và quan hệ của một người đối với người xung quanh. Trẻ tự kỷ bị tổn thuơng trong tương tác xã hội, giao tiếp xã hội và tưởng tượng. Những trẻ này có khuynh hướng gặp khó khăn trong học tập và nhiều trẻ bị khiếm khuyết về trí tuệ.

30701240110160470877968724162144739563933433n-1663315137414980245094.jpg

TS Đào Thu Thủy, Giảng viên Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội, Nhà sáng lập SEED Center. Ảnh NVCC

TS Đào Thu Thủy, Giảng viên Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội, Nhà sáng lập SEED Center (Trung tâm giáo dục và hướng nghiệp dành cho thanh thiếu niên tự kỷ và khuyết tật trí tuệ) cho biết, tại các nước phát triển, các rối loạn phát triển có thể được chẩn đoán rất sớm ngay trong những tháng đầu đời thông qua việc tầm soát sàng lọc sớm.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhận thức về vấn đề còn nhiều sai lệch, ngay cả các bác sĩ nhi khoa nhiều bệnh viện cấp huyện, tỉnh còn chưa rõ về những đối tượng này và thiếu các kỹ năng chẩn đoán sớm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các rối loạn phát triển thường được phát hiện muộn sau 36 tháng tuổi.

Theo TS Đào Thu Thủy, nhiều nghiên cứu cho thấy cha mẹ có vai trò rất lớn trong phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ rối loạn phát triển. Một số dấu hiệu mà cha mẹ và người thân có thể quan sát được như: Trẻ không có giao tiếp mắt; không trả lời khi gọi tên; không đáp lại sự âu yếm; không bắt chước; không chơi với người khác; không bập bẹ khi 12 tháng tuổi; chưa nói được từ đơn khi 16 tháng; nói chưa rõ nghĩa khi 24 tháng; mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội ở bất cứ lứa tuổi nào.

Với những dấu hiệu trên, trẻ cần được đánh giá chuyên sâu và can thiệp tại các cơ sở có uy tín. Thời điểm "vàng" can thiệp cho con là dưới 6 tuổi.

Là nhà chuyên môn có hơn 20 năm làm nghiên cứu viên, giảng viên về lĩnh vực này, TS Đào Thu Thủy nhận định, mỗi đứa trẻ rối loạn phát triển không giống nhau và rất khác biệt, cần có sự đánh giá chuyên sâu để được chẩn đoán chính xác khả năng và nhu cầu, sở thích của mỗi trẻ. Đây là căn cứ để xây dựng lộ trình can thiệp phù hợp cho trẻ.

"Việc đánh giá trẻ rối loạn phát triển cần có một nhóm các chuyên gia đa ngành được đào tạo về lĩnh vực tâm lý/tâm thần trẻ em như bác sĩ tâm bệnh nhi, chuyên gia tâm lý trẻ em, giáo viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt, cán bộ trị liệu về ngôn ngữ/hoạt động trị liệu và sử dụng các công cụ chuyên biệt.

Việc đánh giá không chỉ thông qua việc phỏng vấn phụ huynh mà cần được quan sát, thực hiện các bài test một cách nghiêm túc. Có những trẻ hợp tác cũng cần cả một buổi hoặc nhiều thời gian hơn mới thực hiện xong một công cụ đánh giá. Do vậy, người đánh giá phải có chuyên môn sâu và có kinh nghiệm trong lâm sàng", TS Đào Thu Thủy nhấn mạnh.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022