Mới đây, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện E đã tiếp nhận và cứu sống thành công một bệnh nhân bị thủng trực tràng do nuốt phải chiếc tăm dài 7cm.

Theo đó, bệnh nhân nữ (67 tuổi, Hà Nội) được đưa đến viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị, đau lan dần xuống vùng hố chậu phải, bụng chướng, cơn đau tăng dần, khó chịu, buồn nôn, có sốt.

Trước đó 1 ngày, bệnh nhân bị đau theo cơn, tăng dần, tuy nhiên nghĩ do áp lực công việc và thời tiết dẫn đến đau dạ dày thông thường nên không đi khám. Sau đó, cơn đau tăng dần, xuất hiện tình trạng chướng bụng không rõ nguyên nhân, được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện E.

base64-17210336924051742189479.jpeg

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh BVCC

Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành khám lâm sàng và chỉ định cho người bệnh thực hiện các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết…

ThS.BSNT Nguyễn Quốc Đạt - Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện E cho biết, thông qua kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy, hình ảnh có khí tự do ổ bụng (thủng tạng rỗng), dày thành trực tràng cao, tụ dịch và thâm nhiễm xung quanh. Tiên lượng tình trạng người bệnh rất nặng, có nguy cơ nhiễm trùng máu và tử vong cao.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn cấp cứu, xác định người bệnh bị thủng tạng rỗng và chỉ định phẫu thuật khâu lỗ thủng tạng rỗng và bơm rửa ổ bụng.

Ca mổ cấp cứu cho người bệnh nhanh chóng được tiến hành với sự tham gia của nhiều chuyên khoa. Các phẫu thuật viên đã lựa chọn phương án can thiệp bằng phẫu thuật nội soi qua ổ bụng.

Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện ổ bụng có mủ và tổn thương bên trong có dị vật là cây tăm dài xấp xỉ 7cm đâm thủng vị trí nối giữa trực tràng và đại tràng Sigma, tạo thành ổ viêm.

Các bác sĩ tiến hành làm sạch ổ viêm, lấy dị vật, phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng, đính trực tràng và thành bụng, lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.

Theo BS Nguyễn Quốc Đạt, cái khó của ca bệnh này, người bệnh không nhớ đã nuốt phải dị vật vào thời điểm nào, điều này gây khó khăn cho các bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Hơn nữa, dị vật đi gần hết ống tiêu hóa, từ cổ họng, thực quản, dạ dày, ruột non và đâm thủng ở đại tràng, gây chảy dịch tiêu hoá vào ổ bụng, gây nên tình trạng viêm phúc mạc, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

"Rất may bệnh nhân đến viện sớm và được phẫu thuật cấp cứu kịp thời nên chưa dẫn đến các biến chứng nặng. Thông thường, dị vật sẽ được tiêu hóa ra ngoài mà không hề gây ra các biến chứng. Nhưng đối với các dị vật sắc nhọn như tăm xỉa răng có nguy cơ cao gây thủng đường tiêu hóa, thậm chí tử vong nếu phát hiện và xử trí muộn", BS Đạt thông tin.

Từ trường hợp này, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần hết sức cẩn thận khi sử dụng tăm hàng ngày. Nên bỏ thói quen ngậm tăm vì dễ xảy ra trường hợp tăm rơi vào họng trong lúc ngủ quên. Hoặc cần lưu ý khi dùng tăm để cài trong quá trình chế biến món ăn để tránh quên tăm, dẫn đến trường hợp vô tình nuốt phải tăm khi ăn. Trong quá trình ăn uống cũng nên nhai kĩ để tránh nuốt phải tăm cũng như các dị vật khác. 

Trường hợp không may nuốt phải dị vật, nghi ngờ nuốt phải dị vật hoặc đau bụng, buồn nôn không rõ nguyên nhân, nên đưa người bệnh đi kiểm tra sớm để được các bác sĩ can thiệp điều trị kịp thời, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

da3bec73356cea32b37d-1682585491818-1682585492268775341582-43-0-843-1280-crop-16825855967882035883078.jpgNgười đàn ông bị thủng đại tràng vì nuốt 4 chiếc tăm nhọn

GĐXH – Bệnh nhân thường có thói quen ngậm tăm nằm xem ti vi và khi ngủ nên đã từng nhiều lần nuốt tăm vào bụng, có lần còn… đi ngoài “ra tăm”.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022