Kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam khá phong phú gồm cổ tích, truyền thuyết, tục ngữ, ca dao, chứa bài học về đạo đức, tình người và lòng yêu nước. Vài năm nay, nhiều người trẻ Việt dành thời gian tìm hiểu, khám phá lịch sử, đồng thời diện lại phục truyền thống xưa. Yếu tố này góp phần tạo làn sóng mới không chỉ trong lĩnh vực khảo cứu, lối sống mà lan tỏa mạnh đến ngành điện ảnh.

Văn hóa dân gian khơi nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim. Một trong phim điện ảnh tiên phong khai thác yếu tố này là là Tấm Cám: Chuyện chưa kể (2016), Ngô Thanh Vân đạo diễn. Trong xu thế này, năm ngoái, đạo diễn Trần Hữu Tấn thực hiện dự án điện ảnh Kẻ ăn hồn và series Tết ở làng địa ngục, chuyển thể từ sách của Thảo Trang.

KAH14788-9771-1702618912-5706-1721122637.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OwAVAshmfEZF2jjE253UOg

Đám cưới chuột mở màn cho chuỗi án mạng kỳ bí. Ảnh: Production Q

Theo đó, Tết ở làng địa ngục mang đến cho khán giả cái nhìn mới về phong tục cổ truyền, tái hiện qua lăng kính huyền bí. Đạo diễn cho biết anh và êkíp chú trọng cốt truyện ly kỳ, bối cảnh u ám và diễn của dàn diễn viên. Tại gala Ngôi sao của năm 2023, series thắng giải "Hiện tượng Phim ảnh của năm".

Tiếp đó, Kẻ ăn hồn khắc họa quá khứ của làng Địa Ngục, đậm yếu tố tâm linh, ma quái, truyền thông điệp về nhân quả nghiệp báo. Tác phẩm cán mốc 70 tỷ đồng, là phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử tại thị trường Đài Loan, Myanmar.

image001-5000-1721122637.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EZGUvuOH6KcvU-ZYzVttlg

Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho rằng trào lưu làm phim từ yếu tố dân gian vừa lan tỏa văn hóa truyền thống, vừa tạo ra sản phẩm độc đáo, thu hút khán giả trong và ngoài nước. Ảnh: NVCC

Theo đạo diễn Trần Hữu Tấn: "Khi xem các phim kinh dị của Hàn, Nhật hay Thái Lan, tôi nhận ra họ dùng rất nhiều chất liệu văn hóa nước họ. Gần đây, Exhuma (Quật mộ trùng ma) ăn khách ở châu Á, góp phần lan tỏa văn hóa Hàn Quốc. Tôi cũng muốn tạo ra loạt phim kinh dị mang bản sắc Việt, qua đó giới thiệu nét độc đáo của chúng ta".

Nhà sản xuất Hoàng Quân đồng hành Trần Hữu Tấn năm dự án. Vốn đam mê văn hóa dân gian nước nhà, anh nói làm phim cổ phục tại Việt Nam rất khó bởi không có điều kiện sẵn có. "Tôi cùng êkíp phải sáng tạo chất liệu từ tư liệu cuộc sống người xưa mà đôi khi chưa đầy đủ, thống nhất", Hoàng Quân lý giải.

Sau Kẻ ăn hồn, hai nhà làm phim bắt tay vào dự án cổ trang Cám - dị bản kinh dị từ truyện Tấm Cám. Đạo diễn Trần Hữu Tấn tiết lộ kịch bản có nhiều yếu tố vừa lạ, vừa quen. Khán giả có thể bắt gặp yếu tố dân gian như cờ người, nghề làm nhang, hội thả đèn thiên đăng hay trò đánh đu của trai gái ngày hội.

Họa sĩ Phan Thanh Nam là cố vấn lịch sử, gợi ý chính xác hoạt động văn hóa hay trang phục. Êkíp kỳ vọng quy trình này sẽ giảm thiểu sai sót.

image002-1721120561-5480-1721122637.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ysWIXDEWQJzwjaiIpmMkXw

Đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân (phải). Ảnh: NVCC

Nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn nói dù chông gai, họ vẫn kiên trì khai thác chất liệu dân gian. "Chúng tôi tự hào khi được giới thiệu phim của mình với nhiều người. Bạn bè tôi lẫn khán giả ngoại nhận định thế mạnh của phim Việt là yếu tố bản địa. Hy vọng trong tương lai, có nhiều phim tôn vinh giá trị văn hóa cổ truyền, góp phần nâng cao vị thế phim Việt trên trường quốc tế", Hoàng Quân nói thêm.

Vạn Phát

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022