Nhiệt kế là một trong những vật dụng quen thuộc, có trong gần như tất cả các gia đình để theo dõi sức khỏe người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, ít ai biết, sự ra đời của nó lại vô cùng phức tạp, trải qua nhiều năm liền.

Nhiệt kế đo nhiệt độ bằng cách sử dụng các vật liệu thay đổi trong môi trường nóng, lạnh. Trong nhiệt kế thủy ngân hoặc nhiệt kế rượu, chất lỏng nở ra khi nóng lên và co lại khi lạnh đi. Do đó, chiều dài của cột chất lỏng tùy thuộc vào nhiệt độ. Các nhiệt kế hiện đại được sử dụng theo tiêu chuẩn Fahrenheit (độ F), Celsius (độ C) hoặc Kelvin (độ K).

Nhiệt kế được nhiều nhà khoa học phát minh cùng lúc. Năm 1593, Galileo Galilei cho ra đời chiếc kính nhiệt nước thô sơ, lần đầu tiên thế giới biết đến khái niệm đo nhiệt độ. Ngày nay, phát minh của ông được gọi là nhiệt kế Galileo, dù trong thực tế nó là một chiếc kính nhiệt.

Chiếc nhiệt kế có cấu tạo khá đơn giản, gồm một thùng nước chứa đầy bóng đèn. Mỗi bóng chìm xuống và nổi lên ở một nhiệt độ khác nhau, được đánh số tương ứng với nhiệt độ đó. Khi nước trong thùng thay đổi, bóng đèn chìm xuống sẽ biểu thị nhiệt độ của nước.

Năm 1612, nhà phát minh người Italy, ông Santorio Santorio trở thành người đầu tiên đặt thang đo số trên kính nhiệt. Đây cũng là chiếc nhiệt kế lâm sàng thô sơ đầu tiên trên thế giới có thể đặt vào miệng và đo nhiệt độ của bệnh nhân. Dù vậy, cả hai phiên bản nhiệt kế của Santorio và Galilei đều cồng kềnh, kém chính xác.

Năm 1654, Đại công tước Tuscany, Ferdinand II phát minh ra nhiệt kế chất lỏng trong ống thủy tinh. Ông đã sử dụng rượu làm thang đo. Tuy nhiên, nó vẫn chưa đủ chính xác, không tuân theo thang đo tiêu chuẩn hóa.

-4961-1663857942.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TTnf0flpgmm8J3QewLnzdw

Một chiếc nhiệt kế thủy ngân. Ảnh: Freepik

Phiên bản được coi là nhiệt kế hiện đại đầu tiên do Daniel Gabriel Fahrenheit phát triển năm 1714. Đây là loại nhiệt kế thủy ngân với thang đo tiêu chuẩn. Năm 1724, ông đưa ra thang nhiệt độ mang tên mình - thang Fahrenheit - được sử dụng để ghi lại sự thay đổi của nhiệt độ một cách chính xác.

Thang đo Fahrenheit chia điểm đóng băng và điểm sôi của nước thành 180 độ F; 32 độ F là điểm đóng băng và 212 độ F là điểm sôi. Fahrenheit sử dụng thang này để đo nhiệt độ cơ thể người. Ban đầu, nhiệt độ tiêu chuẩn là 100 độ F, nhưng sau đó được điều chỉnh xuống còn 98,6 độ F.

Thang nhiệt độ C ra đời vào năm 1742, do nhà thiên văn học người Thụy Điển Anders Celsius phát triển, còn gọi là thang độ "bách phân". Thang độ C có 100 độ, với điểm đóng băng là 0 độ, điểm sôi là 100 độ.

Các bác sĩ đầu tiên thường xuyên đo nhiệt độ của bệnh nhân để chẩn đoán và điều trị là Hermann Boerhaave và Gerard LB Van Swieten, người sáng lập Trường Y khoa Viennese. Họ nhận thấy nhiệt độ cơ thể có liên quan đến sự tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, quan điểm này được rất ít người cùng thời đồng ý, nhiệt kế không được sử dụng rộng rãi.

Hầu hết nhiệt kế điện tử hiện đại đều dựa trên phát minh của bác sĩ người Anh, Sir Thomas Allbutt. Ông là người đầu tiên cho ra đời loại nhiệt kế y tế hoàn chỉnh, có thể cầm tay, dài 15 cm, ghi lại nhiệt độ của bệnh nhân trong 5 phút.

Vào Thế chiến II, Theodore Hannes, nhà khoa học nhiệt động lực học kiêm bác sĩ phẫu thuật phát minh ra loại nhiệt kế đo tai. Đến năm 1984, bác sĩ David Phillips cho ra đời nhiệt kế đo tai hồng ngoại. Cùng năm, tiến sĩ Jacob Fraden, Giám đốc điều hành của Advanced Monitors Corporation, nghiên cứu thành công nhiệt kế đo tai Thermoscan, phổ biến đến ngày nay.

Thục Linh (Theo Time, Thought Co)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022