Ngày 23/9, bác sĩ Thân Văn Thịnh, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết nam bệnh nhân lạm dụng đồ uống có cồn trong thời gian dài. Sau đó, anh bị loét lưỡi, tự mua thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau về uống và đắp các loại lá thuốc nam. Khi bệnh không thuyên giảm, anh mới đến bệnh viện khám, lúc này miệng có mùi hôi, bị chảy máu.

Bác sĩ kết luận nam thanh niên bị ung thư lưỡi giai đoạn 4, đã qua giai đoạn vàng để điều trị, không thể phẫu thuật. Vùng lưỡi đau nhức nên người bệnh không thể ăn uống, qua đời sau một năm.

Bác sĩ Thịnh đánh giá trường hợp trên rất đáng tiếc. Người bệnh chủ quan khi có triệu chứng nhỏ, không điều trị kịp thời khiến bệnh trở nặng. Đây là một trong số nhiều trường hợp phát hiện bệnh muộn do chủ quan, được cơ sở này tiếp nhận thời gian qua.

-5996-1663923073.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jnqXanfP0LHwbwEDTI3iIg

Triệu chứng ung thư lưỡi. Ảnh: Ejcrim

Do đó, bác sĩ Thịnh khuyến cáo người dân nên đi khám sớm, tầm soát điều trị ung thư khi xuất hiện vết loét, tổn thương trên da kéo dài hơn 3 tuần. Mọi người nên hạn chế sử dụng đồ uống có ga, cồn như rượu, bia kéo dài, do đây là các tác nhân liên quan tới bệnh ung thư thực quản, miệng.

Người dân cũng không nên hút thuốc lá phòng nguy cơ ung thư phổi, bàng quang... Mọi người khám sức khỏe định kỳ, tầm soát các loại ung thư để phát hiện và điều trị bệnh sớm.

Tỷ lệ ung thư tại Việt Nam hiện có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Theo Globocan 2020, Việt Nam xếp thứ 91 về tỷ lệ mắc mới và thứ 50 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Trong đó, phần lớn người bệnh qua đời do ung thư gan, phổi, vú, đường tiêu hóa (dạ dày, đại - trực tràng), máu, tuyến giáp, cổ tử cung.

Chi Lê

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022