ThS. BS Tạ Thị Hồng Thúy, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết phì đại tuyến vú (gynecomastia) là sự phát triển bất thường của tuyến vú ở một hoặc cả hai bên. Tình trạng này có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, từ trẻ sơ sinh, tuổi dậy thì đến người trưởng thành và cao tuổi.
Khoảng 50–70% nam giới từng có dấu hiệu vú to. Một số bệnh nhân còn cảm thấy đau rõ rệt ở vùng ngực, giống biểu hiện của phụ nữ đang trong kỳ kinh. Điều này khiến không ít người lo lắng, tự ti và âm thầm chịu đựng.
Nguyên nhân chủ yếu là mất cân bằng nội tiết như tăng estrogen, giảm androgen hoặc thiếu hụt thụ thể androgen. Nếu hormone được điều chỉnh, bệnh có thể tự hết; nhưng đa số trường hợp cần dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
Vú to ở bé trai sơ sinh thường do estrogen từ mẹ, tình trạng này sẽ mất đi sau sinh khi lượng hormone suy giảm. Phì đại tuyến vú cũng phổ biến ở nam thanh thiếu niên do rối loạn hormone sinh dục. Tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng lớn bởi suy giảm testosterone và thay đổi tỷ lệ hormone nam–nữ.
Một số loại thuốc như chống trầm cảm, thuốc tim mạch, hormone, cùng các bệnh lý nền như suy thận, bệnh gan, u tuyến yên, bệnh lý tuyến giáp cũng góp phần gây bệnh. Ngoài ra, các khối u ở tuyến thượng thận, tuyến yên, phổi hoặc tinh hoàn có thể làm rối loạn nội tiết dẫn đến vú to.

Dựa trên đặc điểm hình thái tuyến vú trên siêu âm, phân loại của Rohrich: Độ 1: phì đại tối thiểu <250g, không có sa trễ; Độ 2: phì đại vừa 250-500g, không có sa trễ; Độ 3: phì đại nặng >500g, sa trễ độ 1; Độ 4: phì đại nặng kèm sa trễ độ 2 hoặc 3. Ảnh bệnh viện cung cấp
Đáng chú ý, phì đại tuyến vú có thể là dấu hiệu báo động ung thư vú nam, tuy hiếm (khoảng 1%). Người mắc hội chứng Klinefelter có nguy cơ ung thư vú cao hơn bình thường đến 60 lần.
Về thể chất, bệnh gây sưng đau, nhạy cảm, làm mất cân đối cơ thể. Về tâm lý, nhiều người e ngại, hạn chế giao tiếp, tránh vận động và có thể trầm cảm.
Nam giới nhận thấy tuyến vú phát triển bất thường nên đi khám sớm. Việc phát hiện không quá khó, chỉ cần khám lâm sàng, siêu âm, chụp vú, xét nghiệm nội tiết, sinh thiết nếu nghi có u.
Điều trị phụ thuộc nguyên nhân và mức độ. Nếu do béo phì hay rối loạn chuyển hóa, điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập có thể cải thiện. Trường hợp rối loạn hormone cần thuốc nội tiết tố. Những trường hợp nhẹ có thể dùng áo nịt ngực hỗ trợ. Phẫu thuật được cân nhắc khi các phương pháp khác không hiệu quả, giúp loại bỏ mô tuyến và tạo hình ngực, đảm bảo thẩm mỹ.
Để phòng tránh, nam giới nên duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên, hạn chế dùng thuốc hormone, steroid không chỉ định. Khám sức khỏe định kỳ và chủ động đến gặp bác sĩ khi thấy ngực to, đau, tiết dịch hoặc bất thường.
Lê Nga