Gần đây mạng xã hội và thị trường xuất hiện nhiều thông tin mua bán lòng se điếu (còn gọi phèo hai da), giá hàng triệu đồng mỗi kg. Mạng xã hội cũng lan truyền video ghi lại cảnh chủ quán ăn tại Hà Nội khoe cỗ lòng se điếu dài tới 40 m, nặng 5,8 kg từ lợn cái nặng hơn 100 kg, với nhiều tranh cãi về tính xác thực. Các chuyên gia cho rằng lòng se điếu rất hiếm gặp, cả nghìn con lợn mới có một, nên sản phẩm rao bán hàng ngày có thể là giả và được làm bằng phụ gia, hóa chất.

Cụ thể, một số cơ sở có thể ngâm tẩm lòng lợn kém chất lượng với hóa chất, để biến thành "lòng se điếu" bắt mắt, giòn dai. Quy trình này thường bắt đầu bằng việc tẩy trắng lòng bằng oxy già (hydrogen peroxide) để khử mùi hôi, làm sáng màu, sau đó dùng phèn chua và formol pha loãng để tạo độ giòn, giữ lòng không bị phân hủy. Mặt khác, lòng có thể được trộn với hồ dán công nghiệp hoặc dùng chất làm xe niêm mạc để cố định hình dáng tròn bắt mắt.

PGS.TS Trần Hồng Côn, nguyên giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, cho biết formol (hay formaldehit) là chất diệt khuẩn, chống thối, chống ôi, được biết đến như một hóa chất bảo quản trong các phòng thí nghiệm, tuyệt đối cấm dùng trong bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, một số người vì lợi nhuận đã sử dụng formol để tẩm ướp thực phẩm – hành vi gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe con người.

Formol có thể xâm nhập cơ thể qua đường tiêu hóa, hô hấp, gây tác hại cấp và mạn tính. Khi hít phải, người dùng có thể bị viêm mũi, viêm phế quản, phù phổi; khi ăn phải, nguy cơ viêm dạ dày, ruột cấp tính, đau bụng, buồn nôn, tổn thương hệ bài tiết và các biến chứng nguy hiểm như phù nề thanh quản, hôn mê. Ở mức độ nhẹ, ngộ độc biểu hiện bằng đau đầu, mệt mỏi; mức trung bình là khàn giọng, đau tức ngực, ho kéo dài; mức nặng có thể dẫn đến các tổn thương không hồi phục, đe dọa tính mạng.

ffedeaa2fe234c7d1532-174667146-6886-5526-1746671535.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=N7Y6xGHofGV86ywY-Yyr_w

Lòng se điếu quảng cáo nhiều thời gian gần đây. Ảnh: Ảnh chụp màn hình

Không chỉ lòng lợn, các loại thực phẩm chế biến thủ công như bún cũng có nguy cơ bị trộn hóa chất, trong đó có formol. Việc nhận biết thực phẩm chứa formol bằng mắt thường gần như không thể, chỉ có thể xác định qua xét nghiệm chuyên môn. PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn mua thực phẩm tại các địa chỉ uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, hạn chế sử dụng các sản phẩm không rõ xuất xứ.

Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng hóa chất bảo quản độc hại. Ngăn chặn thực phẩm "ngậm" formol lưu hành trên thị trường là biện pháp cấp thiết để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022