"Từ một người khỏe mạnh, tôi chuẩn bị thành 'tù nhân' giam lỏng ở viện"', ông Việt, 70 tuổi, nói hôm 10/8, tại lễ ra mắt cuốn sách Hồi ký chạy thận, kể về hành trình chiến đấu bệnh tật.

Buổi lễ thu hút hơn 1.000 người vừa mua sách, vừa quyên góp vào quỹ giúp đỡ bệnh nhân chạy thận do gia đình ông Việt khởi xướng. Người đàn ông mong mọi người hiểu đúng về bệnh suy thận giai đoạn cuối không phải là dấu chấm hết. Bệnh nhân vẫn có thể sống khỏe nhờ lọc máu hoặc ghép thận.

Biến cố xảy ra vào năm 2006, khi ông Việt thường xuyên bị đau đầu, phải cầm cự bằng thuốc. Cơn đau ngày càng dữ dội, khiến ông phải nhập viện. Bác sĩ chẩn đoán ông mắc viêm thận mạn tính, không thể chữa khỏi, yêu cầu chạy thận ba lần mỗi tuần tại viện.

"Án tử đột ngột đè nặng lên vai khiến hai tai tôi ù đi, chân tay bủn rủn, không còn nghĩ được gì", ông Việt kể, thêm rằng vào thời điểm đó, thông tin về căn bệnh rất ít ỏi khiến gia đình thêm hoang mang.

Chạy thận là phương pháp sống còn với người suy thận cấp và suy thận mạn giai đoạn cuối, giúp họ duy trì sự sống. Một vòng tuần hoàn ngoài cơ thể sẽ được thiết lập, máu của người bệnh được dẫn ra bộ lọc của máy chạy thận để lọc sạch các chất cặn của quá trình chuyển hóa và nước thừa, sau đó máu sẽ được trả về cơ thể.

a-nh-ma-n-hi-nh-2024-08-27-lu-9117-6104-1724773458.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OxLKXeNxDXoBvxJPIaMCZA

Dù sức khỏe suy yếu do chạy thận, ông vẫn cố gắng hoàn thành cuốn sách ghi lại hành trình chữa bệnh của mình để truyền cảm hứng đến mọi người. Ảnh: Thùy An

Hai năm sau, ông Việt bắt đầu ca chạy thận đầu tiên. Ở một góc phòng trong Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, ông ủ rũ nhìn những người khác chật vật chiến đấu bệnh tật. Tiếng nói chuyện thưa dần nhường chỗ cho âm thanh tít tít của máy móc. Bên ngoài hành lang, người nhà "đứng ngồi không yên", có người ngủ gật, ngáp dài, có người mắt đỏ hoe, mệt mỏi vì bị vắt kiệt sức.

Trong thời gian chạy, ông Việt phải nằm yên, không được cử động tay chân vì kim tụt khiến cơ thể đau nhức. Có lần đang lọc, huyết áp tăng đột ngột, ông phải uống thuốc hạ để tránh sốc. Lần khác, huyết áp hạ sâu, ông phải truyền muối để tăng huyết áp, toàn thân đau buốt.

"Đây là chuỗi thời gian đấu tranh mệt mỏi, mất sức nhất", ông Việt kể. Thay vì kiêng khem chặt chẽ, ông lén mua bia về uống khiến cơ thể tích nhiều nước, đặc biệt ở mặt. Bên cạnh nỗi đau thể xác, người đàn ông còn bị nỗi đau tâm lý giằng xé. Ông dằn vặt bản thân là người vô dụng, "đồ bỏ đi, phế thải", chán nản, buông xuôi, không muốn điều trị.

Trái ngược với chồng, vợ và hai con vẫn tiếp tục thay phiên chăm sóc, động viên ông. Nhìn vợ vất vả, ông như được thức tỉnh, cho rằng đây là động lực lớn nhất để tiếp tục sống. Dần dần, người đàn ông chấp nhận bệnh, tuân thủ điều trị.

451634171-486942167317061-4366-1586-4533-1724773458.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nwyBGg_kh9VDj_yP1-OwMA

Căn bệnh vét cạn sức khỏe, kinh tế của gia đình nhưng sự đồng hành của vợ giúp ông kiên trì chiến đấu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gần 20 năm chạy thận, ngoài những biến chứng do bệnh, ông Việt nhiều lần cận kề cái chết trong tích tắc. "Ba đi có thể ba không về", là điều ông thường nói với con trước mỗi lần vào viện.

Một lần, ông đột ngột mất ý thức, ngã xuống sàn nhà, sống lưng đau nhói như bị gãy. Không có người ở nhà, ông cố lết người, dịch chuyển từng cm, cố với lấy điện thoại gọi cho vợ. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán xẹp đốt sống, một biến chứng do suy thận, chỉ định đổ xi măng sinh học. Cuộc mổ được gây mê, ông nghe rõ tiếng đục nhẹ ở lưng nhưng không có cảm giác đau.

Sau can thiệp, ông bắt đầu tập đi để lấy lại cảm giác. Mỗi đêm, ông ngồi xe lăn đi dọc hành lang để thư giãn. Thời gian này, ông duy trì chạy thận một tuần ba buổi, mỗi buổi 4 tiếng, "đều như vắt chanh".

"Chỉ cần bỏ một lần chạy, hàng loạt bệnh sẽ trực chờ để giáng xuống như cơn tăng huyết áp, nôn ói, ngưng tim, phù phổi", ông nói.

Sau khi chạy thận, ông hay mất ngủ, tăng huyết áp không rõ nguyên nhân, số lần tăng rồi tụt huyết áp nhiều không đếm xuể. Thỉnh thoảng, ông bị đau dạ dày cấp, phải tiêm morphin để giảm đau. Người đàn ông còn trải qua 12 cuộc mổ, gồm mổ cầu tay. Mổ cầu tay, hay còn gọi là phẫu thuật AVF (Arteriovenous Fistula), được thực hiện nhằm tạo đường vào mạch máu cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối trước khi bắt đầu chạy thận nhân tạo

Sau đó, ông tiếp tục mổ u khuỷu tay, u vai trái, u vai phải, cường giáp, u gối phải, u vùng lưng... khiến sức khỏe ngày càng giảm sút. "Không thể nhớ hết bao nhiêu mũi tiêm, bao nhiêu lần chết hụt", ông giãi bày.

Đặc biệt, sau ca mổ u tuyến cận giáp năm 2016, sức khỏe người bệnh giảm sút. Để đảm bảo sức khỏe, bác sĩ tăng thời gian chạy thận lên thêm 30 phút, tức là nằm im trong 4,5 giờ.

Bệnh thận và suy thận mạn tính là gánh nặng của ngành y tế cũng như gia đình người mắc. Khảo sát Inside CKD trên 11 quốc gia cho thấy chi phí chi trả cho bệnh thận mạn hàng năm lên đến hàng tỷ USD, chiếm 2,4-7,5% chi tiêu y tế hàng năm. Phí quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn cuối cho các liệu pháp chạy thận nhân tạo, thay thế thận, đặc biệt tăng cao.

"Căn bệnh thực sự vét kiệt sức khỏe, kinh tế của cả gia đình", ông nói.

456050270-508480225163255-7493-8415-7604-1724773458.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HiQXnTAW4ur_2IzKr8Xr4w

Ông Việt và vợ (đứng giữa) chụp ảnh cùng mọi người tại buổi hòa nhạc gây quỹ cho bệnh nhân chạy thận. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Để động viên bản thân, ông Việt học cách chấp nhận bệnh tật, cũng như sự vô thường của cuộc sống. Nhưng, điều này không có nghĩa bỏ cuộc, người đàn ông lấy tinh thần làm "thuốc" và tin tưởng vào bác sĩ. "Giống như ngôi nhà có khách và chủ. Mình là chủ, bệnh là khách mà khách phải tuân thủ mọi quy định của chủ nhà", ông cười ví von.

Bên cạnh tâm thế chấp nhận sự thật, ông Việt lạc quan sống tận hưởng từng ngày, từng giờ bên gia đình và thực hiện những điều bản thân mong muốn.

Thời gian rảnh, ông gặp và nói chuyện những người bạn cùng chạy thận để có thêm niềm vui sống. "Không ai muốn hẹn gặp lại ở viện. Nhưng với bệnh nhân chạy thận, gặp lại có nghĩa là còn sống", người đàn ông tâm sự.

Thống kê của Hội thận học thế giới, ước tính khoảng ba triệu người đang phải duy trì sự sống nhờ phương pháp lọc máu (bao gồm chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng) và ghép thận. Đặc biệt, tỷ lệ người trẻ, người còn trong độ tuổi lao động mắc bệnh chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng tăng.

Việt Nam ghi nhận hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính. Tỷ lệ mắc bệnh thận mạn mới hằng năm là khoảng 8.000 người, 800.000 bệnh nhân cần phải chạy thận lọc máu, chiếm 0,1 % dân số. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có 5.500 máy chạy thận phục vụ 33.000 bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong do bệnh này đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022