"Cuộc họp hội đồng chuyên môn vô cùng căng thẳng", PGS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, chuyên gia đầu ngành về ghép tạng, kể hôm 10/10.

Theo ông Quyết, nam bệnh nhân 41 tuổi, mắc bệnh cơ tim giãn khiến tim, gan, thận suy, thời gian sống tính theo ngày. Anh nhập Bệnh viện Việt Đức cuối tháng 9, được duy trì sự sống bằng máy tim phổi nhân tạo (ECMO). Nếu cai ECMO, người bệnh sẽ tử vong lập tức. Ghép tạng là phương pháp cuối cùng có thể giữ mạng sống. Song, khi có tạng hiến của người cho chết não từ Nghệ An, các bác sĩ phải "cân đo đong đếm" bởi việc ghép cả tim và gan ở Việt Nam chưa từng thực hiện, nhất là trên nền bệnh nhân tổn thương nặng nề như trường hợp này.

"Bệnh nhân suy tim, ghép tim là đương nhiên, song anh cũng suy gan trầm trọng, nếu chỉ ghép tim, khó có cơ hội sống tiếp vì gan suy", PGS Quyết nói. Đây cũng là tình huống khiến các bác sĩ phải "cân não", tranh luận nảy lửa trong cuộc họp ngày 1/10, khi bàn về việc có nên ghép đồng thời tim và gan cho người bệnh.

Một số bác sĩ cho rằng chỉ nên ghép tim, "bởi ghép tim vào, gan sẽ hồi phục". Song, kết quả sinh thiết gan của bệnh nhân sau đó cho thấy tạng này hoại tử 50%, không có cơ hội bình phục, buộc phải ghép gan. 70% ý kiến còn lại cho rằng không nên ghép đồng thời bởi tình trạng bệnh nhân quá nặng, nếu thất bại sẽ đánh mất cơ hội sống của người bệnh cũng như hai người khác đang chờ ghép tim, gan.

Cuối cùng, Hội đồng chuyên môn quyết định sẽ ghép đồng thời hai tạng cho người đàn ông trên. "Chúng tôi chỉ dám đưa ra tiên lượng dè dặt là 20%, nhưng các bác sĩ vẫn phải cố gắng", TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nói.

6-Ng-a-i-ba-nh-ghA-p-Tim-Gan-t-8683-9892-1728530517.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pepyOBG2qMYZPXllctJp2Q

Bệnh nhân tập phục hồi chức năng sau ca ghép đồng thời tim-gan. Ảnh: Thảo My

Bác sĩ Hùng chia sẻ từ thời điểm đưa ra quyết định, hai từ "thất bại" chưa từng xuất hiện trong tâm trí của ông. Lý do đầu tiên, "hội đồng chuyên môn đã nhấc lên đặt xuống cả 100 lần, tính toán tất cả phương án, và tự tin vào tay nghề của các bác sĩ".

Bên cạnh đó, nạn nhân chết não ở Nghệ An hiến rất nhiều tạng, nhưng cả tim và gan của chàng trai này đều phù hợp với người đàn ông 41 tuổi. "Đây là sự trùng hợp nhân duyên", bác sĩ Hùng nhận định, thêm rằng những nguyên nhân trên là động lực để các chuyên gia quyết tâm cứu người bệnh bằng mọi cách.

Hoàn cảnh kinh tế của người nhận tạng khó khăn. Tài sản vợ chồng bệnh nhân mang theo tổng cộng là 400 triệu đồng trong khi chi phí ghép và điều trị lên đến tỷ đồng. Bệnh nhân có BHYT chi trả, phần còn lại bệnh viện tìm cách hỗ trợ.

"Chúng tôi đã thắp hương khấn các giáo sư tổ nghề y, thầy Tôn Thất Tùng, thầy Tôn Thất Bách phù hộ trước, sau cuộc mổ. Với sự tự tin vào tay nghề cùng việc chuẩn bị kỹ càng của bệnh viện, chúng tôi càng tin bệnh nhân sẽ có cơ hội sống tiếp cùng gia đình", TS Hùng nói.

1-ha-i-cha-n-tra-c-tuya-n-2-17-4142-8652-1728530517.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ADyFItfjN_2u8w2akiAoSQ

Các bác sĩ, chuyên gia hội chẩn trước khi quyết định thực hiện ca ghép. Ảnh: Thảo My

Ngay sau khi có quyết định ghép, các bộ phận đã khẩn trương vào cuộc. Một ê kíp Việt Đức vào Nghệ An đánh giá tình trạng chết não và các tạng, sau đó vượt 300 km trở lại Hà Nội. Chiều 1/10, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thực hiện ca ghép 2 tạng tim, gan cho nam bệnh nhân.

Sau 8 tiếng, ca phẫu thuật thành công. Trái tim của chàng trai Nghệ An đập những nhịp đầu tiên trong lồng ngực người đàn ông ở Hà Nội. Lá gan của anh cũng bắt đầu hoạt động, tiết mật giúp đưa các chỉ số đông máu, men gan và bilirubin dần trở về bình thường.

Lúc này, kíp mổ mới dám "thở mạnh", song kíp gây mê hồi sức lại bước vào cuộc chiến mới. PGS.TS Lưu Quang Thùy, Giám đốc Trung tâm Gây mê Hồi sức, cho biết ghép tạng đã trở thành kỹ thuật thường quy tại Việt Đức. Nhưng với ca đầu tiên, cùng lúc ghép 2 tạng lớn tim và gan trên một bệnh nhân rất nặng, quá trình gây mê, hồi sức luôn đối mặt với nhiều rủi ro, áp lực.

"Chúng tôi huy động toàn bộ chuyên gia nhiều kinh nghiệm nhất, mời GS.TS Nguyễn Quốc Kính, nhà khoa học đầu ngành, chỉ huy chuyên môn về hồi sức", ông Thùy nói. Nhờ đó, bệnh nhân được kiểm soát hoàn toàn chức năng tạng ghép trong và sau mổ.

Ca ghép này còn thách thức ở chỗ việc lấy tạng ở Nghệ An - cách Bệnh viện Việt Đức hàng trăm km. Vì vậy, việc hồi sức cho tạng ghép tối ưu trước mổ rất quan trọng. Nơi này đã giải quyết bài toán bằng cách cử ê kíp vào Nghệ An hỗ trợ hồi sức bệnh nhân trước hiến tạng, dẫn đến tạng lấy ra có chất lượng tốt nhất, góp phần thành công cho ca phẫu thuật.

4-va-n-chuya-n-ta-ng-ta-bv-hn-1169-2181-1728530517.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yHWN3lyCR8gL3BcYERdcyQ

Các bác sĩ vận chuyển tạng từ Nghệ An về Hà Nội. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện 5 ca ghép đồng thời, trong đó 2 ca gan - thận, 2 ca tim - thận riêng ca tim - gan này là lần đầu tiên ở Việt Nam.

Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học nhân loại từ thế kỷ 20. Việt Nam đi sau thế giới 50 năm và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng hiện trình độ ghép tạng của nước ta ngang bằng nhiều nước, theo PGS Quyết. Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật, liên tiếp thực hiện nhiều ca ghép đa tạng.

Cụ thể, từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992 đến nay, cả nước có gần 9.000 ca ghép tạng được thực hiện. Trong đó, chủ yếu là ghép thận với hơn 8.000 ca; ghép gan khoảng 600; ghép tim hơn 80; ghép phổi hơn 10; ghép tụy 1; còn lại một số ca ghép ruột, tạng khác.

Trước đây, 5 bệnh viện Trung ương (Hữu nghị Việt Đức, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103, Trung ương Huế, Chợ Rẫy) thực hiện được kỹ thuật ghép tạng. Nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 26 bệnh viện thực hiện kỹ thuật này.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022