Thông tin được PGS.TS Vũ Văn Du, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt Pháp 2024, ngày 15/10, tại Hà Nộị. Gần 70 báo cáo viên tham gia báo cáo, là dịp các y bác sĩ cập nhật, chia sẻ những kỹ thuật mới nhất trong ngành sản phụ khoa.

Mổ lấy thai là phương pháp sinh bằng phẫu thuật, đưa thai nhi ra ngoài qua vết rách trên tử cung và thành bụng. Mổ lấy thai có thể được lên kế hoạch từ trước (nếu người bệnh có các yếu tố chống chỉ định sinh thường) hoặc được quyết định trong quá trình theo dõi chuyển dạ sinh thường.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sinh mổ được khuyến nghị từ 10-15%. Khi con số vượt quá 15% được coi là không cần thiết về mặt y khoa. Song, trong những thập niên gần đây, tỷ lệ sinh mổ tăng trên toàn thế giới. Theo dự báo, năm 2030, tỷ lệ mổ lấy thai toàn cầu là 29%.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mổ lấy thai tăng liên tục trong 15 năm qua, từ 12% năm 2005 lên 37% vào năm 2022. Bên cạnh các chỉ định từ bác sĩ, nhiều thai phụ và gia đình yêu cầu được sinh mổ chủ động. "Tỷ lệ sinh mổ cao đã trở thành một vấn đề cấp bách, làm dấy lên mối lo ngại về tác động của nó đối với sức khỏe của bà mẹ cũng như hậu quả lâu dài", PGS Du nói.

Hiện chưa có thống kê về ca sinh mổ chủ động, song ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy số thai phụ yêu cầu phương pháp sinh này tăng lên qua các năm. Lý do là nhiều thai phụ sợ sinh con tự nhiên sẽ bị đau, bị bỏ lại một mình, tổn thương sàn chậu dẫn đến tiểu không tự chủ... Ngoài ra, nhiều gia đình muốn lựa chọn thời điểm sinh, ngày giờ sinh.

Mổ lấy thai không có chỉ định y khoa có thể làm tăng nguy cơ sức khỏe ngắn và dài hạn cho cả mẹ lẫn con. Cụ thể, người mẹ phải đối mặt với nguy cơ cắt tử cung do băng huyết, biến chứng gây mê, ngừng tim, suy thận cấp, thuyên tắc tĩnh mạch, nhiễm trùng hậu sản, rau tiền đạo, rau cài răng lược, vỡ tử cung, vô sinh... Về phía con, mổ đẻ cũng làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý hô hấp sơ sinh, hen phế quản, béo phì.

1-1728978148-4911-1728978248.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=POLJYQCvi1qSh-mdU7eOLA

GS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: N.Nhiên

PGS Trần Danh Cường, chuyên gia về sản phụ khoa, cho biết người mẹ sinh thường không gặp các biến chứng của sinh mổ như gây tê màng cứng, gây mê, chảy máu vết mổ sau đẻ. Sau sinh, sản phụ thường sản xuất sữa nhiều do được kích hoạt hệ thống nội tiết trong quá trình chuyển dạ. Mặt khác, thời gian hồi phục của sản phụ sau đẻ thường sẽ ngắn hơn. Em bé sinh thường phải trải qua một thời gian dài trong quá trình chuyển dạ nên phổi hoạt động tốt, hệ hô hấp tốt hơn trẻ sinh mổ.

Các bác sĩ khuyến cáo khi không có chỉ định sinh mổ thì nên sinh thường. Không nên thực hiện sinh mổ theo yêu cầu của mẹ trước tuổi thai 39 tuần.

Do tỷ lệ sinh mổ lặp lại cao, cần thông báo cho bệnh nhân rằng nguy cơ rau tiền đạo, rau cài răng lược và cắt bỏ tử cung khi có thai tăng lên sau mỗi lần sinh mổ tiếp theo.

"Các bác sĩ cần tìm cách tư vấn cho thai phụ lời khuyên đúng đắn, không phải để ngăn cản việc sinh mổ mà quan trọng hơn là hỗ trợ họ có trải nghiệm sinh đẻ tích cực", PGS Du nói.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022