Ngày 10/10, bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tình trạng trên kéo dài 10 ngày, bệnh nhân mới được đưa đến viện. Theo lời kể gia đình, em đột nhiên xuất hiện các triệu chứng bất thường như đứng dậy đi lại, chạy ra ngoài khi đang ngồi học ở lớp. Nhổ thức ăn, nói những lời không phù hợp, không thực tế. Bệnh nhân còn sợ hãi, biểu hiện rất nhanh và rầm rộ.
Khi vào viện, người bệnh tỉnh táo, nhận thức được gia đình và mọi người xung quanh song có xu hướng dễ kích động, vùng chạy hoặc đập đồ đạc. Bằng liệu pháp tâm lý, trò chuyện thời gian dài, nữ sinh chia sẻ với bác sĩ rằng em sợ hãi, nhìn thấy có người theo dõi, muốn hại mình nên em không dám ăn, ngủ.
Kết quả xét nghiệm não, chụp CT, test chất (kiểm tra xem người bệnh có dấu hiệu sử dụng chất hay không) bình thường. Khai thác tiền sử cũng cho thấy bé gái không gặp các biến cố, căng thẳng. Sau khi loại trừ các nguyên nhân, bác sĩ Yến chẩn đoán bệnh nhân bị loạn thần cấp, chưa rõ lý do. Tuy nhiên, bà Yến nghi ngờ cơn loạn thần cấp có thể xuất phát từ yếu tố gene di truyền.
"Đây là cơn loạn thần đầu tiên của bệnh nhân, cần theo dõi kỹ về sau. Có thể người bệnh chỉ xuất hiện một cơn loạn thần, song trong nhiều trường hợp cũng có thể xuất hiện nhiều cơn tiếp theo, phải điều trị lâu dài", bác sĩ cho hay.
Người bệnh được điều trị bằng thuốc, sau khi ổn định sẽ theo dõi ở nhà, tránh những căng thẳng quá mạnh. Nếu tiếp tục có hoang tưởng sẽ phối hợp thêm các liệu pháp tâm lý phù hợp.
Loạn thần cấp là một tình trạng bệnh lý khởi phát nhanh chóng, thường diễn ra trong vòng hai tuần, dẫn đến sự biến đổi rõ rệt từ trạng thái tâm lý bình thường sang trạng thái loạn thần. Nguyên nhân có thể bao gồm độc tính của các chất, các bệnh lý khác hoặc các rối loạn tâm thần. Bệnh khỏi hoàn toàn trong vòng vài tuần, song cũng có tỷ lệ bệnh nhân có rối loạn này kéo dài dai dẳng.
Các nghiên cứu cho thấy khoảng 20-30% người mắc có tiền sử gia đình bị rối loạn tâm thần. Những tổn thương não, viêm não, sử dụng các chất kích thích, hoặc gặp sang chấn tâm lý như người thân qua đời, mất mát tài sản, đổ vỡ hôn nhân, tình yêu... cũng là yếu tố nguy cơ. Yếu tố nhân cách như nhạy cảm, dễ bị tổn thương hoặc sống khép kín, không cởi mở, ít quan hệ cũng dễ tác động khiến bệnh khởi phát.
Loạn thần cấp có các triệu chứng đặc trưng như ảo giác, mê sảng, hoặc nói nhảm, rối loạn hành vi, cảm xúc, lo lắng, mất ngủ,...
Bệnh được điều trị bằng thuốc nhằm kiểm soát các triệu chứng cấp tính như hoang tưởng, ảo giác và kích động. Khi giai đoạn cấp tính qua đi, bệnh nhân ổn hơn về cảm xúc hành vi, bác sĩ có thể phối hợp thêm các liệu pháp tâm lý phù hợp.
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân. Ảnh: Thúy Quỳnh
Bác sĩ Yến nhìn nhận tỷ lệ mắc bệnh ở lứa tuổi trẻ em và vị thành niên không ít. Nhiều người khi gặp phải những triệu chứng kỳ lạ thường nghĩ đến yếu tố tâm linh hoặc tìm đến các phương pháp chữa bệnh dân gian, song việc này có thể khiến bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ khuyến cáo các bệnh lý về thần kinh, đặc biệt là ở trẻ em, có thể có nhiều nguyên nhân phức tạp, cần được chẩn đoán và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa. Việc trì hoãn điều trị có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Thúy Quỳnh - Diệu Tâm