Sáng 3/6, bé gái 13 tuổi được mẹ đưa từ Điện Biên xuống Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) khám trong tình trạng đi không thẳng người, di chuyển khó khăn hơn người bình thường. PGS.TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, cho biết kết quả kiểm tra trẻ bị vẹo cột sống ngực, đường cong 60 độ.

Khi đứng thẳng, hai bên vai của em không cân, bên phải cao hơn bên trái. Khi hai cánh tay buông thõng xuống thấy một bên tay sát với thân, một bên không. Đặc biệt, khi trẻ từ từ cúi xuống, quan sát từ sau lưng thấy hai xương bả vai không đều nhau, một bên gồ hẳn lên. Đây đều là các dấu hiệu của vẹo cột sống.

Mẹ bé cho biết phát hiện con có biểu hiện bất thường từ lúc hai tuổi, khi trẻ ngồi tắm thì vai bị lệch và đi hay bị ngã. Khám tại một số bệnh viện, các bác sĩ tư vấn trị liệu, nếu không cải thiện cần đợi đến khi trẻ qua tuổi dậy thì, mới có thể can thiệp phẫu thuật nắn chỉnh.

"Trẻ mắc vẹo cột sống vô căn, dậy thì 2 năm, sự phát triển đã chững lại, đường cong vẹo 60 độ, là thời điểm thích hợp để mổ nắn chỉnh cột sống", bác sĩ Sơn nói, thêm rằng nếu không mổ, độ cong tăng nhanh sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ. Trẻ chỉ cần trải qua một lần mổ, kết quả nắn chỉnh đạt khoảng 85%, trẻ sẽ cao hơn 5-7 cm.

Theo PGS Sơn, hiện gù vẹo cột sống là căn bệnh khá phổ biến, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh 0,5-1%. Nguyên nhân dẫn đến vẹo cột sống có thể là bẩm sinh, không rõ nguyên nhân (vô căn) và vẹo cột sống mắc phải (mắc các bệnh liên quan tới thần kinh - cơ).

80% các trường hợp bị vẹo cột sống là loại vẹo vô căn. Trong đó, trường hợp vẹo cột sống bẩm sinh, vẹo cột sống khởi phát sớm (ở trẻ dưới 10 tuổi) cần được theo dõi sát, xử lý sớm nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của phổi, nội tạng và các cơ quan khác.

Các bác sĩ sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố như tuổi, mức độ nặng nhẹ, nguyên nhân mà có chỉ định phù hợp như mặc áo nẹp chỉnh hình hay phẫu thuật.

1-1717413711-4287-1717413782.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ddBJhGPVuHZN9hZfcqtlSQ

Bác sĩ Hùng kiểm tra mức độ cong vẹo cột sống cho trẻ. Ảnh: Lê Nga

Phát hiện sớm dấu hiệu trẻ cong vẹo cột sống không quá khó, nhất là khi trẻ biết ngồi, đi, theo bác sĩ Sơn. Người lớn chỉ cần quan sát kỹ khi trẻ đứng, đặc biệt là khi tắm, vệ sinh cho trẻ. Ví dụ, nhìn từ phía sau, quan sát hai vai trẻ xem cân bằng hay không. Quan sát thân người có thẳng trục hay không, có dáng chữ S, chữ C; hai bên hông, 2 tay, 2 chân (khi bước đi) có bị lệch không.

Hay phương pháp Adam được áp dụng để sàng lọc trường hợp bị cong vẹo cột sống học đường. Cụ thể, trẻ đứng thẳng, cúi từ từ về phía trước, hai tay đặt đầu gối, cha mẹ quan sát con từ phía sau. Bình thường hai vai sẽ cân xứng, nếu bị vẹo cột sống thì một bên vai sẽ nhô cao hơn, bên đối diện thấp xuống, xuất hiện bướu gồ vùng lưng.

Theo bác sĩ Sơn, dù dấu hiệu nhận biết khá rõ, nhưng nhiều trẻ phát hiện bệnh muộn, có biến chứng. Trong ngày 8-9/6, nơi này sẽ tổ chức chương trình khám sàng lọc miễn phí gù vẹo cột sống ở trẻ em, mục đích giúp bệnh nhi được điều trị kịp thời bởi các chuyên gia đầu ngành.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022