Cuối tháng 5, bệnh nhân đến Bệnh viện Tâm thần Mai Hương khám trong trạng thái bồn chồn, khó chịu, tim đập nhanh, toát mồ hôi, run rẩy. Khi tiếp xúc, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện, nhận thấy người bệnh lo lắng, sợ hãi quá mức về các vấn đề cuộc sống.

Người đàn ông chia sẻ kết hôn cách đây 7 năm với suy nghĩ: "Sẽ xây ngôi nhà và những đứa trẻ, sống hạnh phúc, song không ngờ cuộc hôn nhân lại mở ra quãng đời đau khổ". Sau kết hôn, vợ anh không dịu dàng như lúc yêu, nói chuyện cộc cằn, chửi bới nặng nề dù chỉ là chuyện nhỏ.

Một lần, chồng mải nhắn tin điện thoại công việc, không tiếp chuyện khiến cô bực tức, ném điện thoại gây vỡ màn hình, xưng mày tao và đuổi chồng. Lần khác, người đàn ông ăn nhậu về muộn, vợ đã đánh và tát khi anh mở cửa nhà.

Lâu dần, bệnh nhân bị áp lực làm hài lòng bạn đời, tuân theo mọi quy tắc cô đặt ra. "Nếu làm không đúng ý, cô ấy sẽ phát điên và chửi bới", người đàn ông nói.

Qua khám và làm các xét nghiệm, trắc nghiệm tâm lý, người bệnh được chẩn đoán rối loạn lo âu, điều trị bằng thuốc và trị liệu tinh thần.

Một bệnh nhân khác, 37 tuổi, cũng gặp áp lực khi luôn bị vợ tra khảo về tài chính hàng ngày. Người đàn ông cho biết thường xuyên lo lắng, mất ngủ, căng thẳng, đặc biệt khi giao tiếp với vợ.

"Tôi tiêu tiền mà luôn lo sợ, cảm giác mình phải trộm những đồng tiền mình kiếm được", anh bộc bạch.

Chịu áp lực, anh tự tạo "quỹ đen", không may bị vợ phát hiện, chị bỏ nhà và đòi ly hôn. Bệnh nhân căng thẳng, bế tắc, tìm đến rượu bia để giải tỏa, sau đó phải vào viện với chẩn đoán rối loạn lo âu.

alone-man-silhouette-staring-w-5311-8860-1717144968.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BMWkC9t71BmErK8l2qHJKQ

Nam giới bị vợ hoặc bạn gái bạo hành có thể gặp chấn thương tâm lý đáng kể. Ảnh: Shutterstock

Rối loạn lo âu biểu hiện đa dạng, bao gồm cảm thấy bồn chồn, khó chịu, tim đập nhanh, khó thở, ra mồ hôi, run rẩy; lo lắng quá mức về các vấn đề trong cuộc sống, sợ hãi những điều không tưởng như tai nạn, bệnh tật, cái chết hoặc tránh né các tình huống gây lo âu...

Bệnh không chỉ ảnh hưởng sức khỏe tinh thần mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và cuộc sống, gây mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn, sụt cân, giảm khả năng tập trung, mất đi các mối quan hệ.

"Nếu không điều trị kịp thời, rối loạn lo âu có thể dẫn đến trầm cảm với những biểu hiện như buồn bã, chán nản, mất hứng thú với mọi thứ, thậm chí có ý định tự tử", bác sĩ Thu nói.

Bà Thu cho biết nhiều người nghĩ bạo lực gia đình là việc sử dụng vũ lực để đánh đập, la mắng. Tuy nhiên, tình trạng này còn thể hiện ở các hình thức khác như bạo lực tinh thần, sự thờ ơ, ghẻ lạnh, ép người khác thực hiện hành vi họ không mong muốn, bắt họ phục tùng mình.

Thực tế, nhiều phụ nữ sử dụng các hành vi bạo lực về lời nói, hành vi, cảm xúc, khóc, hoặc "chiến tranh lạnh" thường xuyên, trong khi nam giới có xu hướng dùng bạo lực thể chất.

Nhiều đàn ông mặc định là "phái mạnh, không được đánh phụ nữ", vì thế thường nín nhịn, số khác sợ bị đánh giá là yếu đuối, mất hình ảnh gia đình êm ấm nên giấu bệnh, đối phó bằng việc sử dụng các biện pháp cực đoan như lạm dụng chất gây nghiện, chất kích thích.

Bác sĩ khuyến cáo để tránh bạo lực tâm lý, vợ chồng cần ngồi nói chuyện, giải quyết các khúc mắc trên cơ sở tôn trọng, thấu hiểu. Nếu không hòa hợp hay bất đồng trong tình dục, cặp đôi nên gặp chuyên gia y học giới tính và tâm lý.

Về lâu dài, cần giáo dục ý thức cho tất cả người dân, đặc biệt là học sinh khả năng làm chủ cảm xúc, chia sẻ, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như lòng trắc ẩn,...

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022