Bác sĩ Nguyễn Trọng Tuyển, khoa Can thiệp mạch thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết thống kê tại Mỹ mỗi năm có khoảng 50.000 người ở nước này bị đột quỵ do vỡ phình mạch não, 2/3 trong số đó chết hoặc di chứng hết sức nặng nề. Ngoài ra, khoảng 1/50 dân số Mỹ tồn tại một phình mạch não đang phát triển.
Ở Việt Nam chưa có số liệu chính thức, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tồn tại phình mạch não có thể tới 5% dân số.
"Bệnh này được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng", bác sĩ Tuyển nói.
Phình mạch não là một vị trí phình lồi ra của mạch máu, thành mạch mỏng. Khi vỡ ra, máu tràn vào khoang dưới nhện quanh não, vào nhu mô não, não thất, gây tử vong hoặc liệt và nhiều biến chứng nặng nề khác cho bệnh nhân.
Đến nay, cơ chế chính xác gây túi phình động mạch vẫn chưa được hiểu một cách cặn kẽ. Trước đây, nhiều phân tích cho rằng do khiếm khuyết bẩm sinh ở thành mạch gây phình. Nay, các chuyên gia thấy sự hình thành túi phình là một quá trình thoái hóa mạch não, trong đó có các yếu tố liên quan đến bệnh như tuổi cao, hút thuốc lá, xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, uống nhiều rượu, nghiện ma túy, bệnh nhân bị chấn thương hoặc tổn thương mạch máu, biến chứng từ một số loại bệnh nhiễm khuẩn máu.
Triệu chứng của vỡ phình mạch não gồm đau đầu đột ngột dữ dội, đau cứng gáy, buồn nôn, nôn, lẫn lộn, hôn mê... Khi có các triệu chứng này, người bệnh nên đến cơ sở y tế khám.
Các bác sĩ nút túi phình bằng lò xo kim loại cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Để điều trị, các bác sĩ nút túi phình mạch não bằng sợi kim loại, hoặc phẫu thuật. Ngoài ra, bác sĩ kết hợp điều trị nội khoa bằng chống co thắt mạch não, chống phù não, bảo vệ thần kinh, cầm máu, giảm đau.
Hiện nay chưa có biện pháp nào có thể ngăn hình thành và phát triển của phình mạch não. Biện pháp hữu hiệu duy nhất là phát hiện phình mạch và can thiệp trước khi vỡ. Phình mạch não có thể được phát hiện nhờ chụp CT mạch máu có thuốc cản quang, hoặc cộng hưởng từ có thuốc đối quang từ, cộng hưởng từ 3 Tesla.
Nhóm nên khảo sát phình mạch não là khi trong gia đình có bệnh nhân phình mạch, người bị gan thận đa nang hoặc có các yếu tố nguy cơ như tuổi cao, hút thuốc, uống nhiều rượu, vữa xơ mạch máu, nghiện ma túy...
Lê Nga