Ngày 15/7, đại diện Bệnh viện Từ Dũ cho biết đây là trường hợp thứ 3 sinh con sau can thiệp tim tại viện. Lúc thai nhi 20 tuần tuổi, bác sĩ phát hiện trẻ bị dị tật tim bẩm sinh nặng, không có lỗ van động mạch phổi, hở van 3 lá.

Các bác sĩ phối hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 theo dõi sát, sau đó can thiệp bào thai để cứu sống bé, ngày 30/5. "Nếu không can thiệp bào thai, thông van tim, bé có nguy cơ tử vong trong bụng mẹ hoặc tiến triển thành tim một thất, không có khả năng phẫu thuật sửa chữa sau sinh", bác sĩ nói.

Tư thế thai nhi nằm trong bụng mẹ không thuận lợi cho phẫu thuật can thiệp vào buồng tim nên sau khi gây mê cho bé, bác sĩ nỗ lực điều chỉnh tư thế. Ê kíp luồn kim vào can thiệp tim thai thành công sau 40 phút, giúp dòng chảy qua van động mạch phổi tốt, không tràn dịch màng ngoài tim.

Sức khỏe của hai mẹ con sau đó tiến triển tốt, các lần khám thai thấy bé tăng trưởng về cân nặng.

sie-u-a-m-tim-1721018723-9171-1721018876.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eFa0CvN4PiY2L3CVXAj0vw

Bé trai khóc to sau chào đời, được siêu âm tim kiểm tra ngay tại phòng mổ sinh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngày 9/7, nhịp tim thai dao động bất thường, sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ sinh non, được mổ sinh, lúc thai hơn 35 tuần. Bé trai chào đời khóc to, tự thở khí trời mà không cần một sự trợ giúp nào. Các chức năng của buồng tim của bé hoạt động tốt, chỉ cần theo dõi chưa cần can thiệp thêm. Hiện, hai mẹ con đều hồi phục tốt.

Đến nay, ê kíp hai bệnh viện đã phối hợp thực hiện 4 ca can thiệp tim bào thai đầu tiên Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Kỹ thuật này được vinh danh là một trong 12 thành tựu y khoa Việt Nam năm 2023. Can thiệp tim bào thai đòi hỏi rất lớn ở tay nghề bác sĩ, hiện chỉ vài nơi trên thế giới thực hiện được.

be-trai-kho-e-manh-1721018707-4184-9183-1721018876.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KVEXaicdKlrlYRIOYwKd9Q

Bé trai trong vòng tay bác sĩ Trịnh Nhựt Thư Hương, Trưởng Khoa chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ, thành viên kíp can thiệp. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Can thiệp bào thai mang đến kết quả cải thiện rất ngoạn mục, nhưng cũng đối diện nhiều nguy cơ trong và sau phẫu thuật như tràn máu màng ngoài tim, nhịp tim chậm dẫn đến ngưng tim, chuyển dạ sinh non, ối vỡ non... Dù vậy, kỹ thuật này giúp ngăn diễn tiến nặng của tim, thêm vào bào thai có tế bào gốc có thể tự sửa chữa, giúp em bé có cơ hội chào đời khỏe mạnh.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022