Rau cần
Rau cần được biết đến là loại rau cung cấp nhiều dưỡng chất như Vitamin P, C, Abumin, đường, Canxi, Phốt pho, Sắt, Carôtin, Axit hữu cơ. Theo y học cổ truyền, rau cần có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bình can, thanh nhiệt, trừ phong lợi thấp, giảm áp suất máu… Rau cần đặc biệt có tác dụng trong giảm ho, chống viêm, long đờm. Tất cả các bộ phận của cây rau từ rễ, thân và lá đều có tác dụng chữa bệnh.
Đặc biệt loại rau này cung cấp nhiều chất xơ nên rau cần có tác dụng loại trừ các chất thải có độc trong hệ tiêu hóa. Ngoài ra, rau cần cũng rất tốt cho người thiếu máu, mất ngủ, bà bầu giai đoạn cuối thai kỳ. Hương thơm của rau cần còn kích thích và lưu thông các tuyến mồ hôi, giảm huyết áp.

Loại cần trồng dưới nước thường chứa nhiều giun sán hơn loại cần trồng trên cạn. Ảnh minh họa.
Loại rau này nếu bị phun quá nhiều thuốc trừ sâu và phân bón, thân rau cần sẽ to, ngó trắng phau bất thường. Để một ngày không nhúng nước, rau sẽ khô héo, thân tóp lại.
Điều đáng nói "rau bẩn" với lượng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất tồn dư gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
Rau cải
Rau họ cải có rất nhiều loại, mỗi loại sẽ có sự khác nhau về thành phần dinh dưỡng nhưng hầu hết đều chứa những thành phần tốt cho sức khỏe con người. Chúng ta có thể bổ sung rau cải xanh vào bữa ăn hằng ngày theo nhiều cách như ăn sống, luộc, hấp, xào hay muối chua.

Cải là một trong những loại rau được phun nhiều thuốc trừ sâu nhất. Ảnh minh họa.
Nguồn vitamin dồi dào có trong rau cải bao gồm:
Protein;
Tinh bột;
Chất xơ;
Đường;
Vitamin A;
Vitamin B6 (pyridoxine);
Vitamin C;
Vitamin E;
Vitamin K;
Đồng.
Rau cải có nhiều loại như cải ngọt, cải canh, cải thìa, cải bẹ..., điểm chung của các loại rau cải là mọng nước nên thu hút nhiều sâu bọ cắn phá. Bởi vậy, người trồng rau này phải tăng cường bơm thuốc trừ sâu, phân đạm để cho rau không bị sâu, nhất là vào khoảng thời gian trước khi thu hoạch.
Rau cải được phun nhiều thuốc trừ sâu thường xanh non mơn mởn, lá xanh ngắt, không dấu vết của sâu bọ và phần thân chắc mập, đều tăm tắp một cách bất thường. Rau cải xanh non cũng là biểu hiện của rau được bón nhiều phân đạm.
Cải sạch thường có màu nhạt hơn, trông không mơn mởn và mỡ màng như rau cải sạch.
Trước khi ăn bạn nên cắt bỏ phần gốc, tách rời từng lá, nhặt bỏ lá sâu. Sau đó bạn ngâm rau với nước muối loãng khoảng 15 phút rồi rửa kỹ từng lá dưới vòi nước chảy vài lần trước khi đưa vào chế biến tiếp.
Cách rửa rau loại bỏ thuốc trừ sâu
Trong thực tế một số loại rau nhiều thuốc sâu hơn các loại khác. Nguyên nhân đầu tiên là các loại rau này lá có sâu bệnh nghiêm trọng hơn. Thứ hai chu kỳ sinh trưởng ngắn, thuốc trừ sâu chưa kịp phân hủy rau đã được đưa đến tay người tiêu dùng.
Các chuyên gia khuyến cáo, trước khi chế biến nên nhặt sạch sẽ, bỏ bớt lớp ngoài, sau đó rửa dưới vòi nước chảy. Bước kế tiếp là ngâm trong dung dịch baking soda, muối hoặc nước vo gạo sẽ giúp loại bỏ các tạp chất và dư lượng thuốc trừ sâu. Khi ăn nên gọt vỏ, loại bỏ lá, chần qua nước.

- Hãy ngâm nước muối: Trước khi chế biến rau bạn nên pha 1-2 muỗng canh muối vào 1 lít nước, ngâm trái cây và rau củ trong vòng 10-15 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Muối có thể giúp loại bỏ nhiều loại thuốc trừ sâu và các vi khuẩn trên bề mặt.
- Rửa rau bằng nước ấm: Theo Lao Động rửa rau củ bằng nước ấm khoảng 40-50°C, sau đó rửa lại bằng nước lạnh. Nước ấm có thể giúp hòa tan một số loại thuốc trừ sâu, tuy nhiên không nên sử dụng nước quá nóng để tránh làm hỏng thực phẩm.
- Rửa rau với nước lạnh: Rửa trực tiếp trái cây và rau củ dưới vòi nước lạnh chảy, sau đó dùng tay hoặc bàn chải mềm cọ nhẹ bề mặt. Phương pháp này giúp loại bỏ bụi bẩn và một phần thuốc trừ sâu trên bề mặt.
- Ngâm rau nước giấm: Đây là một cách làm sạch rau hiệu quả. Đầu tiên bạn nên pha hỗn hợp 1 phần giấm trắng với 3 phần nước, ngâm trái cây và rau củ trong 10-15 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Giấm có tính axit, giúp loại bỏ hiệu quả thuốc trừ sâu và vi khuẩn.
Lưu ý: nên rửa sạch bằng nước sạch sau khi sử dụng bất kỳ phương pháp nào trên để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn các chất dư thừa.
(t/h)