Gan nhiễm mỡ là một chống chỉ định trong hiến ghép gan, không thể ghép cho người tiếp nhận bởi tăng nguy cơ thải ghép. Muốn hiến gan cho con, bố bé - anh Lại Văn Hưng, 41 tuổi, phải điều chỉnh chỉ số mỡ gan về mức bình thường. "Lá gan khỏe mạnh thì ghép cho người nhận gan mới đảm bảo thành công", TS. BS Trần Thanh Trí, Trưởng Khoa Gan Mật Tụy và Ghép Gan, Bệnh viện Nhi đồng 2, nói.
Để gan hết nhiễm mỡ, bên cạnh chế độ ăn uống, một năm qua anh Hưng nỗ lực tập luyện giảm cân. Mẹ bé, chị Hải Yến, 37 tuổi, nhóm máu O, không trùng nhóm B của con trai; gan của chị cũng nhiễm mỡ nhưng nhẹ hơn chồng. Mẹ bé là phương án dự phòng hiến gan nếu bố không đáp ứng yêu cầu.

Hoàng Duy điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, ngày 2/4. Ảnh: Phương Lê
Bé Lại Nguyễn Hoàng Duy, xơ gan giai đoạn cuối, đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, tình trạng xuất huyết tiêu hóa, bầm tím rải rác hai chân. Một tháng nay, bé chưa tự ăn bữa nào, dinh dưỡng phải hỗ trợ qua ống sonde, giảm từ 34 kg còn 30 kg. Cậu bé liên tục vào ra bệnh viện trong một năm qua bởi biến chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa, tần suất xuất huyết tiêu hóa ngày càng gần nhau và nặng dần, đe dọa tính mạng.
Bé có chỉ định ghép gan vào cuối năm 2023. Bố mẹ bé đều đăng ký hiến gan, ai cũng sẵn lòng cho đi một phần cơ thể giúp con sớm hồi phục. Bố được chọn là phương án đầu tiên hiến gan do cùng nhóm máu, song anh phải kiểm soát tình trạng gan nhiễm mỡ bằng thuốc cùng chế độ ăn không béo, không ngọt, đợi gan khỏe mạnh bình thường thì ghép ngay.
Khi bố bắt đầu hành trình kiểm soát gan nhiễm mỡ thì bé Duy nhập viện điều trị 40 ngày. Lúc nguy kịch, bé vẫn bày tỏ với bác sĩ "con muốn ghép gan, muốn được sống để về đi học trở lại, có thể ra sân đá bóng cùng các bạn thay vì đứng xem". Ước muốn của con khiến bố càng quyết tâm thay đổi các thói quen sống để gan sớm trở về bình thường.
Suốt một năm qua, bố chuyển từ chế độ ăn nhiều dầu mỡ sang ưu tiên các món hấp, luộc, tăng cường tiêu thụ rau xanh, hạn chế hải sản và loại bỏ đồ ngọt. Anh duy trì đi bộ khoảng 10 km vào buổi sáng và tối mỗi ngày. Ngày mưa, anh thay thế bằng các bài tập vận động tại nhà. Kiên trì luyện tập, ăn uống khoa học kết hợp điều trị, cân nặng của anh giảm từ 65 kg xuống 58 kg, song chỉ số gan nhiễm mỡ chỉ giảm chứ không hết hẳn để đáp ứng nhu cầu hiến.
Sốt ruột vì "sức khỏe của con có thể không đợi bố quá lâu", chị Hải Yến tích cực ăn kiêng, đạp xe buổi tối, cuối cùng giảm cân từ 59 kg xuống còn 51 kg. Đầu tháng 4, khi chỉ số mỡ gan của chồng vẫn không đáp ứng yêu cầu, còn loạt xét nghiệm chuyên sâu cho thấy chị Yến đủ điều kiện hiến gan cho con.
Bác sĩ Trí cho biết ca ghép dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4. "May mắn mẹ bé khác nhóm máu nhưng là máu O nên có thể truyền cho người thuộc nhóm máu khác, gan không còn nhiễm mỡ", bác sĩ nói. Còn người mẹ cho hay "12 năm qua không thể nhớ hết số lần con đi viện, có những lúc bác sĩ thông báo người nhà phải chuẩn bị tâm lý, nên nếu còn cơ hội cứu con thì làm cha mẹ như chúng tôi nỗ lực hết sức".

Giấy ra viện của bé Duy trong hai năm 2023 và 2024. Ảnh: Gia đình cung cấp
Bé Duy đã bảo lưu kết quả khi học hết lớp 5 vào năm kia, từng ngày trông chờ được ghép gan để khỏe mạnh hơn. Những ngày nhỏ rất sợ mổ, nhưng sau những lần nằm viện nguy hiểm đến tính mạng Duy đã tự nói với bác sĩ mong muốn được ghép gan. Bé rất ý thức trong ăn uống, chỉ ăn những món mẹ cho phép.
Anh Hưng làm công nhân trong công ty xử lý hóa chất, nhưng đã nghỉ làm để chăm sóc cha già và con trai liên tục nhập viện. Gánh nặng kinh tế dồn hết lên vai chị Yến, người đang làm thuê ở chợ với mức thu nhập giảm dần, hiện dưới 12 triệu đồng mỗi tháng.
Biết con trai mắc bệnh hiểm nghèo, phương pháp cuối cùng để cứu sống bé là ghép gan, vợ chồng chị đã dành dụm suốt nhiều năm, không dám đụng tới khoản "quỹ ghép gan". Tuy nhiên, sau các đợt nhập viện gần đây, chi phí điều trị vượt 250 triệu đồng (sau khi trừ bảo hiểm y tế), cộng thêm hơn 100 triệu đồng cho các xét nghiệm chuyên sâu kiểm tra sức khỏe người hiến tạng. Trong khi đó, chi phí dự kiến cho ca ghép gan lên đến 600 triệu đồng, chưa kể các phát sinh từ biến chứng sau ghép. Do bé Duy đã trên 6 tuổi, bảo hiểm y tế chỉ chi trả 80% chi phí, tăng thêm gánh nặng cho gia đình.
Thời gian qua, nhà trường cùng họ hàng đã hỗ trợ để gia đình tạm xoay xở viện phí. Tuy vậy, áp lực tài chính vẫn đè nặng vì số tiền cần cho ca ghép vượt xa khả năng hiện tại. "Con đã kiên cường chiến đấu suốt những năm qua, nên bằng mọi giá gia đình cũng sẽ gắng sức đến cùng", chị Yến chia sẻ.
Theo TS. BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, các ca ghép gan tại bệnh viện những năm qua chủ yếu sử dụng gan từ người hiến sống, đa phần là bố mẹ hiến cho con. Một số trẻ tử vong do không tìm được người hiến phù hợp, trong khi không ít trường hợp không thể chờ đợi lâu vì các vấn đề sức khỏe như thừa cân, gan nhiễm mỡ hay lao phơi nhiễm của người hiến.
Để tăng cường số ca ghép gan và giảm tỷ lệ trẻ không qua khỏi do chờ đợi quá lâu, các bác sĩ mong muốn có thêm nguồn tạng hiến từ người chết não. Bên cạnh đó, việc cho phép hiến tạng nhân đạo từ trẻ em dưới 18 tuổi khi chết não, như đã được thực hiện ở nhiều quốc gia, cũng rất cần được xem xét để áp dụng tại Việt Nam.
Lê Phương
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khaichương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể đồng hành cùng chương trình tại đây:
|