Làm việc trong lĩnh vực thể thao, Liên có ý thức cao về việc chăm sóc bản thân. Ba năm nay, cô ăn uống khoa học với thực đơn nhiều rau quả, hạn chế thịt đỏ, kết hợp tập yoga đều đặn 30-45 phút mỗi ngày. Vì vậy, khi nhận kết quả ung thư tuyến giáp dạng biểu mô nhú đã di căn hạch bạch huyết, cô không khỏi hoài nghi.
"Tôi hoàn toàn sốc, nghi ngờ bác sĩ chẩn đoán sai. Làm sao ung thư có thể xảy ra với tôi, một người ăn uống lành mạnh và chăm tập thể dục?", cô chia sẻ.
Thành, 30 tuổi, giám đốc một học viện giáo dục tại Hà Nội, cũng mắc kẹt trong tâm lý tương tự. Ba tháng trước, chàng trai bắt đầu cảm thấy đau âm ỉ ở vùng bụng trên. "Chắc do stress hoặc ăn uống thất thường thôi", người đàn ông tự nhủ.
Mỗi lần cơn đau tệ hơn, anh chỉ lấy vội thuốc giảm đau hoặc thuốc dạ dày mua ở tiệm thuốc gần nhà rồi tiếp tục lịch trình công việc chồng chất. "Trẻ thế này, không đến lượt mình bị bệnh nghiêm trọng đâu. Mấy ông già mới phải lo mấy thứ như thế", Thành nói khi bạn gái thúc giục anh đi khám.
4 tháng sau, khi đến bệnh viện vì sụt cân nhanh chóng và cơn đau không thể kiểm soát, Thành được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn muộn. Các bác sĩ mô tả mọi chỉ số sinh học của anh cho thấy rằng căn bệnh đã bám rễ rất lâu.
"Nếu phát hiện sớm hơn, chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ và hóa trị đơn giản là đã ổn rồi", bác sĩ nói.

Bác sĩ Tỵ (bên trái) đang can thiệp cho bẹnh nhân. Ảnh: Hoàng Nam
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội tĩnh mạch học TP HCM, Giảng viên cao cấp Đại học Y Dược TP HCM, quan niệm "bệnh trừ mình" do tâm lý nghĩ rằng bệnh tật sẽ không bao giờ xảy đến. Đây là một rào cản nguy hiểm, nhiều nhất là ở những người trẻ - nhóm thường có sức khỏe khá tốt nên chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm.
Tệ hơn, mạng xã hội hiện nay lan truyền nhiều thông tin sai lệch kiểu "ung thư không chữa được" hoặc "người trẻ không cần khám sức khỏe", khiến họ càng chủ quan và xem nhẹ việc tầm soát.
Thực tế, ung thư không phân biệt tuổi tác hay lối sống. Mặc dù yếu tố di truyền có thể tăng nguy cơ mắc bệnh, nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc phát hiện sớm giúp tỷ lệ điều trị thành công tăng đáng kể. Đặc biệt, khám sức khỏe định kỳ không chỉ là công cụ phát hiện ung thư mà còn giúp phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn khác
Cùng ý kiến, bác sĩ Ngô Văn Tỵ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhận định người trẻ, với nhiều trách nhiệm xã hội, từ tài chính, sự nghiệp đến chăm sóc gia đình, thường ưu tiên công việc hơn sức khỏe. Họ dễ dàng bỏ qua các dấu hiệu bệnh hoặc chọn cách phớt lờ chúng.
Theo PGS Nam, bệnh tật có thể xảy ra ở mọi người, mọi lứa tuổi. "Dù trẻ hay khỏe, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm, đặc biệt nếu gia đình có tiền sử ung thư hoặc có dấu hiệu bất thường kéo dài", bác sĩ nói.
Hiện có hai hình thức là tầm soát sức khỏe tổng thể và tầm soát ung thư. Với tầm soát tổng thể, người bình thường được khuyến cáo nên thực hiện ít nhất một năm một lần, gồm xét nghiệm máu, siêu âm bụng, tuyến giáp, chụp XQ ngực, phổi, khám tai mũi họng...
Tầm soát ung thư giúp phát hiện những tổn thương tiền ung thư trong giai đoạn sớm, nhằm can thiệp kịp thời và tăng khả năng điều trị thành công. Ba loại ung thư thường gặp ở Việt Nam là phổi, gan, dạ dày, đều có tỷ lệ tử vong cao. Hiện, chưa có thống kê lượng bệnh nhân yêu cầu tầm soát toàn bộ để phòng bệnh, song đa số chỉ đi tầm soát khi có dấu hiệu điển hình.
Mọi người có thể tầm soát theo độ tuổi. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, người từ 18 tuổi trở lên có thể đo huyết áp hằng năm để tầm soát nguy cơ tăng huyết áp. Hoặc phụ nữ từ 21 tuổi có thể làm xét nghiệm PAP Smear để tầm soát ung thư cổ tử cung. Tầm soát ung thư vú dành cho phụ nữ trên 40 tuổi, còn những người trên 50 tuổi có thể tầm soát ung thư đại trực tràng.
"Tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, bệnh sử và nhu cầu của từng cá nhân để chọn chương trình khám phù hợp", bác sĩ cho biết.
Ung thư từng được coi là căn bệnh của tuổi già, nhưng một nghiên cứu năm 2020 do các nhà khoa học tại Viện Ung thư Pennsylvania dẫn đầu phát hiện ra rằng tỷ lệ mắc tất cả bệnh ung thư ở nhóm 15-40 tuổi tăng 30% kể từ những năm 1970. Nghiên cứu gần đây trên BMJ Oncology cho thấy các trường hợp mắc mới ở nhóm này tăng 79% trong ba thập kỷ qua. Chỉ riêng ở Mỹ, số ca ung thư mới được chẩn đoán ở người 18-40 tuổi là 3,26 triệu, trong đó phổ biến nhất là ung thư vú, phổi, ruột và dạ dày... Hiện Việt Nam chưa có thống kê chính xác về số người trẻ mắc ung thư, song các bệnh viện ghi nhận nhóm bệnh nhân này ngày càng tăng.
Thùy An - Mỹ Ý