Lần cuối Hsieh đến công viên Từ Hồ, thành phố Đào Viên, Đài Loan, là gần 50 năm trước, khi nhà trường sắp xếp cho học sinh đến viếng Tưởng Giới Thạch, người lúc đó vừa qua đời ở tuổi 87.

"Hồi ấy có rất nhiều xe bus đưa học sinh đến công viên Từ Hồ, nơi dòng người xếp hàng dài vào viếng. Học sinh chúng tôi phải cúi đầu trước mộ theo quy định của trường", bà Hsieh nhớ lại.

50 năm sau, thi hài Tưởng Giới Thạch vẫn nằm trong lăng mộ cuối con đường rợp bóng tre, phía sau một hồ nước tĩnh lặng. Đầu bên kia công viên lại trở thành một "nghĩa địa tượng" kỳ lạ, với hàng trăm bức tượng Tưởng Giới Thạch được tập kết tại đây.

05747ulg-9082-1714987161.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NEF6ATqdP26Rvhaq_I9T9A

Loạt tượng Tưởng Giới Thạch bên trong công viên Từ Hồ, Đào Viên, Đài Loan. Ảnh: Taoyuancf

Một số tượng được xếp thành vòng tròn. Ở những nơi khác, hàng chục tượng xếp thành hàng như dàn hợp xướng. Chúng khắc họa hình ảnh ông Tưởng đang cưỡi ngựa, ngồi ghế, đọc sách, chống gậy, cầm mũ hoặc tượng bán thân, hầu hết mỉm cười.

50 năm trước, công viên Từ Hồ không có bức tượng nào. Theo thời gian, các bức tượng Tưởng Giới Thạch lần lượt được chuyển đến từ các không gian công cộng trên khắp hòn đảo. Khoảng 1.000 tượng đã được tập kết tại công viên Từ Hồ.

"Công viên trở thành một nơi kỳ lạ với rất nhiều bức tượng. Cảnh tượng này ban đêm sẽ rất đáng sợ", bà Hsieh nói.

Khi Quốc dân đảng (KMT) do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo bị đánh bại ở Trung Quốc đại lục, ông và hàng triệu người ủng hộ rút về Đài Loan năm 1949, thành lập chính quyền mới trên hòn đảo.

Nhưng trong 4 thập kỷ lãnh đạo, chế độ của ông Tưởng được cho là đã xử tử khoảng 3.000-4.000 người, bỏ tù 140.000 người vì cáo buộc chống lại KMT.

Sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời năm 1975, di sản của ông tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi ở đảo Đài Loan.

4532-4875-1714987161.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0AEJl1cfTSnNw7rJGqvhTg

Người dân dẫn con nhỏ đi dạo giữa các bức tượng Tưởng Giới Thạch tại công viên Từ Hồ, Đào Viên, Đài Loan. Ảnh: Guardian

Năm 2018, đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền ở Đài Loan thành lập ủy ban tư pháp nhằm điều tra, xét lại các hành động của KMT trong quá khứ. Một trong những đề xuất đáng chú ý của ủy ban là dỡ bỏ các tượng đài của ông Tưởng, đổi tên đường phố, địa danh mang tên cố lãnh đạo này.

Đảo Đài Loan có hơn 300 đường, gần 60 trường, hàng chục địa danh mang tên Tưởng Giới Thạch, với một số đã được đổi tên trong 5 năm qua. Năm 2022, Đài Loan áp dụng chương trình trợ cấp cho các địa phương, trường học, tổ chức để loại bỏ "các biểu tượng toàn trị" liên quan Tưởng Giới Thạch.

Tuần trước, một nghị sĩ thuộc DPP cho hay công tác xử lý khoảng 700 tượng Tưởng Giới Thạch còn lại vẫn rất chậm chạp, thúc giục chính quyền Đài Loan khuyến khích giới chức các địa phương nhận trợ cấp để chuyển chúng đến công viên. Phần lớn số tượng này được dựng tại các cơ sở quân sự, những nơi không muốn dỡ bỏ chúng.

KMT, hiện tại là phe đối lập ở Đài Loan, đã xin lỗi về những hành động trong quá khứ, song phản đối nỗ lực xét lại của DPP, cáo buộc đây là "cuộc săn phù thủy chính trị".

Tuong-Gioi-Thach-wiki-1569-169-9731-5905-1714987161.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=glfhlPQvwo-bs1ySyaNT6w

Lãnh đạo Đài Loan Tưởng Giới Thạch trong ảnh chụp năm 1937. Ảnh: Wikimedia Commons

Đức Trung (Theo Guardian, ABC)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022