Nam sinh ăn trộm đề thi ĐH rồi học thuộc lòng đáp án

Dương Bác. Ảnh: Toutiao
Dương Bác sinh ra tại một thị trấn thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Cha cậu làm công nhân trong một nhà máy nhỏ, còn mẹ ở nhà nội trợ. Vì hoàn cảnh gia đình khá khó khăn nên cha mẹ Dương Bác chỉ mong con trai học hành giỏi giang và có thể thi đỗ vào một trường đại học tốt. Có vậy, họ mới có thể đi ra khỏi vùng quê nghèo này và con trai cũng sẽ có tương lai tốt đẹp hơn.
Không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ, từ khi học tiểu học, Dương Bác đã bộc lộ khả năng xuất sắc của mình. Trong lớp, cậu luôn nằm trong số những người giỏi nhất, có điểm số cao nhất. Để duy trì thành tích đó, Dương Bác rất ít khi vui chơi với bạn bè mà luôn dành phần lớn thời gian để làm bài tập về nhà hoặc ôn bài. Dẫu vậy, trong một kỳ thi quan trọng năm lớp 5, vì sơ suất khi làm bài nên Dương Bác chỉ đạt điểm thấp. Điều này khiến cha mẹ rất phiền lòng nên đã lớn tiếng la mắng cậu.
Trải nghiệm đó đã để lại tổn thương tâm lý sâu sắc cho Dương Bác. Cũng từ đó, cậu có một nỗi ám ảnh với việc bị điểm kém. Không những vậy, sự tự tin trước đây của cậu bé này cũng không còn, thay vào đó là sự nghi ngờ và lo sợ về khả năng của mình. Cậu sợ rằng mình sẽ không làm tốt bài thi và không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ nên lại lao đầu vào học hành.
Nhờ sự chăm chỉ đó, điểm số những năm học cấp 2 và cấp 3 của Dương Bác đều rất tốt. Tuy nhiên, trước mỗi kỳ thi quan trọng, cậu học sinh này lại có tâm lý không được ổn định.
Dưới áp lực tâm lý to lớn này, Dương Bác bắt đầu nảy sinh những suy nghĩ không lành mạnh và hoài nghi chính bản thân mình. Đã có lúc, Dương Bác tự hỏi những thành tích bấy lâu nay của mình liệu có phải chỉ là may mắn hay không.
Trong năm đầu bậc trung học phổ thông, thành tích học tập của Dương Bác rất xuất sắc. Cậu thường xuyên nằm trong top 10 của lớp, thậm chí có thời điểm còn lọt vào nhóm học sinh giỏi nhất toàn trường. Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu đi chệch hướng khi bước sang năm hai. Cậu bị phân vào một ban học không phù hợp với năng lực, dẫn tới kết quả học tập ngày càng giảm sút. Sự không tương thích trong nội dung học, cộng thêm áp lực từ gia đình và nhà trường khiến tâm lý Dương Bác trở nên rối loạn, chán nản.
Dù vẫn cố gắng tự động viên mình qua từng kỳ thi, hy vọng lần sau sẽ tốt hơn nhưng thực tế ngày càng khiến cậu thất vọng. Điểm số cứ thế lao dốc, niềm kiêu hãnh và tự tin từng là điểm mạnh của Dương Bác giờ đây tan biến không còn dấu vết.
Năm 2003, khi kỳ thi đại học chỉ còn cách một tuần, Dương Bác rơi vào trạng thái hoảng loạn. Dù ôn tập rất nhiều, mỗi khi làm bài thi thử, cậu vẫn không đạt được kết quả mong muốn. Những kiến thức như thơ cổ, bài luận, hay công thức toán học cứ trôi tuột khỏi trí nhớ. Trong nỗi bức bối, lo sợ không đủ điểm thi, Dương Bác đã nảy sinh một ý định liều lĩnh là trộm đề thi đại học.
Thời điểm đó, hệ thống bảo mật kỳ thi ở Trung Quốc chưa thật sự hiện đại. Đề thi thường được gửi đến các trường trung học hàng đầu trong khu vực trước kỳ thi để lưu giữ tạm thời. Trớ trêu thay, trường của Dương Bác lại chính là nơi được giao cất giữ đề thi.
Nhận thấy cơ hội, Dương Bác ngừng học hoàn toàn để tập trung lên kế hoạch. Cậu quan sát kỹ các tòa nhà, thời điểm vắng người, rồi lén tiếp cận khu giáo viên - nơi được niêm phong và cho là cất giữ đề. Một buổi tối, trong giờ tự học, cậu giả vờ xin ra ngoài, mang theo công cụ và lẻn vào phòng niêm phong để đánh cắp đề thi. Sau đó, Dương Bác ghi nhớ toàn bộ nội dung đề, nhờ bạn bè giải giúp các câu khó, rồi học thuộc cả đáp án.
Ngày 7/6/2003, Dương Bác bước vào phòng thi với tâm thế tự tin tuyệt đối. Nhưng đời không như mơ khi đề được phát, cậu chết lặng vì toàn bộ nội dung hoàn toàn khác với những gì mình đã học thuộc. Hóa ra, vụ trộm đề đã bị phát hiện từ trước, ban giám sát đã nhanh chóng thay toàn bộ đề bằng bộ dự phòng với độ khó tăng cao, đặc biệt là môn Toán.
Nhiều thí sinh bật khóc vì không làm được bài. Riêng Dương Bác, sau vài phút sững sờ, vẫn cố gắng trấn tĩnh và hoàn thành bài thi. Kết quả thật bất ngờ khi cậu đạt 515 điểm - vượt xa mức điểm chuẩn 467 của năm đó. Điều này chứng minh rằng Dương Bác thực chất có năng lực, nhưng vì thiếu niềm tin và nghị lực mà đã đi vào con đường sai lầm.
Từ kỳ vọng quá mức đến áp lực khôn lường

Kết cục cho hành động của nam sinh này là vô cùng đau đớn.
Hóa ra, sự việc "trộm đề thi" đã bị cơ quan giáo dục phát giác. Cảnh sát cũng đã được điều động vào cuộc điều tra. Để kỳ thi được diễn ra một cách bình thường, đề thi dự phòng đã được sử dụng thay thế cho đề thi chính thức.
Kỳ thi đại học năm đó, Dương Bác đạt 515 điểm và vẫn là một trong số những học sinh có thành tích cao của trường. Tuy nhiên, khi niềm vui này đến chưa được bao lâu, Dương Bác đã bị cảnh sát bắt giữ vì tội lấy trộm tài liệu bí mật của nhà nước Trung Quốc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Biết được tin này, cha mẹ và thầy cô của Dương Bác vô cùng bàng hoàng bởi trong mắt họ, cậu luôn là học sinh ngoan ngoãn và có thành tích tốt.
Theo thông tin từ phía cảnh sát, dù Dương Bác đã cố gắng che dấu hành vi sai phạm của mình, thế nhưng từ dấu vân tay và một vài manh mối mà nam sinh này để lại, họ đã xác định được cậu chính là thủ phạm ăn trộm đề thi. Qua thẩm tra, đối tượng này cuối cùng cũng đã cúi đầu nhận tội. 7 năm tù chính là cái giá mà nam sinh này phải trả giá cho hành động dại dột của mình. Dương Bác khi ấy đã 19 tuổi và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nên Tòa án huyện Nam Phương tuyên phạt 7 năm tù vì tội ăn cắp bí mật nhà nước.
Khi bạn bè hồ hởi vào đại học, Dương Bác phải trả giá bằng bảy năm tuổi trẻ sau song sắt. Trong tù, cậu từng sụp đổ tinh thần, nhưng nhờ sự hỗ trợ tâm lý và hướng dẫn của cán bộ trại giam, Dương Bác dần vực dậy, tích cực cải tạo và được giảm án. Năm 2009, cậu được ra tù sớm.
Tuy nhiên, vết trượt này đã để lại hậu quả lớn. Gia đình Dương Bác bị kỳ thị ở quê nhà, còn bản thân cậu thì không thể tìm được công việc ổn định. Từ một học sinh giỏi đầy triển vọng, Dương Bác giờ đây chỉ có thể sống qua ngày với những công việc tay chân lặt vặt.
Về phía cha mẹ Dương Bác, sau khi biết rõ ngọn ngành sự việc, họ đau khổ và vô cùng ân hận khi biết sự kỳ vọng to lớn của mình lại chính là nguyên nhân khiến con trai có hành vi cực đoan như vậy. Tuy nhiên, hối hận lúc này cũng đã muộn màng.
Có thể thấy, sự kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái không chỉ đơn thuần là một mong muốn, mà còn là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển và sức khỏe tinh thần của trẻ. Nếu sự kỳ vọng đó vượt quá khả năng thực tế của con, nó có thể trở thành một áp lực đè nặng lên tâm trí, khiến trẻ không chỉ mệt mỏi về cả thể chất mà cả tinh thần. Thậm chí có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng như trường hợp của nam sinh Dương Bác nói trên.
Chính vì vậy, thay vì đặt quá nhiều kỳ vọng lên con cái, phụ huynh cũng đồng hành cùng con để hiểu và nắm vững tình hình cũng như nhu cầu của con mình. Từ đó, đưa ra được phương pháp giúp con giữ vững tinh thần và tiến bước trên con đường phát triển bản thân.