Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), công suất nguồn điện miền Bắc sẽ cải thiện vài ngày tới khi có thêm khoảng 1.000 MW từ các tổ máy của ba nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Nghi Sơn 1 và Thái Bình 2.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó trưởng ban quản lý dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2, cho biết tổ máy số 2 của nhà máy khởi động lại từ hôm nay, cấp cho miền Bắc khoảng 13 triệu kWh một ngày.

Tổ máy số 1 Nhiệt điện Nghi Sơn 1 gặp sự cố từ 5/6. Ông Võ Mạnh Hà, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn (Tổng Công ty Phát điện 1, Genco 1) – đơn vị quản lý, vận hành cho hay ngày 13/6, việc sửa chữa, kiểm tra thiết bị sẽ hoàn thành. Theo đó, lưới điện miền Bắc sẽ có thêm khoảng 7 triệu kWh một ngày.

1dien348379682-158928841822128-4532-1571-1686367079.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uXxN1qQY4f3Htd9VEwXOrw

Công nhân sửa chữa bên trong tổ máy số 1, Nhiệt điện Nghi Sơn 1, tháng 6/2023. Ảnh: Mạnh Hà

Tức là, từ ngày 13/6, miền Bắc có thêm 20 triệu kWh điện mỗi ngày sau khi 2 tổ máy của Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và Thái Bình 2 vận hành, giúp giảm áp lực thiếu điện đang diễn ra tại đây.

Việc có thêm nguồn điện, theo đại diện EVN, có thể việc cắt điện ở miền Bắc được giảm bớt. Tuy nhiên, tình hình vẫn khó khăn từ nay tới đầu tháng 7 - thời điểm có lũ thượng nguồn sông Đà đổ về.

Với thủy điện, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, lưu lượng nước về hồ hôm nay tăng so với ngày 9/6, nhưng vẫn thấp. Sau nhiều ngày ngừng vận hành do nước trong hồ dưới ngưỡng nước chết, hôm nay hai nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu phát điện trở lại ở mức cầm chừng. Hiện mực nước trong hồ tại hai nhà máy thủy điện lớn nhất phía Bắc cao hơn mức nước chết 0,96-4,1m.

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp dự báo, lưu lượng nước về hồ 24h tới dao động nhẹ, các hồ khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ ở mức thấp.

Lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu. Các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về, tức ở mức tối thiểu.

thuy-dien-Lai-Chau-jpeg-7146-1686364798.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RCMiMk-5KYxf9cJrJrsIrw

Lòng hồ thủy điện Lai Châu cạn nước, tháng 6/2023. Ảnh: Ngọc Thành

"Số nhà máy có mực nước hồ xấp xỉ mực nước chết, phát điện cầm chừng, công suất thấp để đảm bảo an toàn vận hành. Do đó, trong giai đoạn này khó có thể đáp ứng phát điện theo quy trình vận hành hồ chứa", đại diện Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết.

Để đủ điện, Bộ Công Thương và EVN tìm mọi giải pháp tăng vận hành các nguồn nhiệt điện, nhằm ứng phó với tình trạng các hồ thủy điện lớn thiếu hụt nước.

Từ đầu tháng 6 tới nay, người dân Hà Nội cũng như các tỉnh thành miền Bắc thường xuyên bị mất điện. Lượng điện tiêu thụ bình quân cả nước đạt gần 820 triệu kWh một ngày trong tháng 5, tăng hơn 20% so với tháng 4. Riêng Hà Nội, điện tiêu thụ bình quân tháng 5 là hơn 75,4 triệu kWh, tăng 22,5% so với tháng 4. Đến 8/6, mức tiêu thụ bình quân đạt hơn 85,6 triệu kWh.

Bộ Công Thương cho hay miền Bắc sẽ thiếu 30,9-50,8 triệu kWh một ngày, và nguy cơ thiếu điện tại hầu hết giờ trong ngày. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo các hồ thủy điện còn "khát" nước trong 10 ngày tới khi lưu lượng nước về hồ rất thấp.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022