Sáng 9/6, UBND tỉnh Quảng Trị họp về đề xuất xây dựng băng tải than đá từ cửa khẩu quốc tế La Lay, huyện Đakrông về cảng chuyên dụng ở Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng của Công ty Central Capital.

Ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị, khẳng định dự án khả thi nên quyết tâm đẩy nhanh tiến độ. Ngày 4/6, tỉnh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương xây dựng kho bãi và băng tải ở khu vực biên giới La Lay; giao tỉnh phối hợp với phía Lào thiết kế, thi công; đề nghị các bộ Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Hải quan hỗ trợ thủ tục đầu tư.

Dự kiến tuần tới, UBND tỉnh sẽ báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy để xin chủ trương đầu tư dự án. Phó chủ tịch tỉnh Lê Đức Tiến đề nghị các ngành sớm cập nhật quy hoạch dự án vào quy hoạch của tỉnh, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục. Đây sẽ là dự án băng tải vận chuyển hàng xuyên biên giới đầu tiên ở Việt Nam.

Tại buổi làm việc, các sở ngành đề nghị nhà đầu tư rà soát diện tích đất sử dụng nhằm giảm diện tích rừng tự nhiên, đánh giá lại tác động về môi trường, hiệu quả đầu tư, cân nhắc việc sử dụng băng tải nếu hết nguồn hàng than đá...

1h5a4936-3582-1686290197.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=n2h_xHlCTGZUFWc6-nbY3w

Ông Lê Đức Tiến đánh giá dự án xây dựng băng tải than từ biên giới về cảng biển có tính khả thi. Ảnh: Hoàng Táo

Đại diện Công ty TNHH đầu tư Central Capital, ông Hoàng Văn Năng cho biết băng tải dài 160 km, chia làm ba đoạn: Đoạn phía Lào dài 85 km, đoạn hơn 5 km băng qua biên giới và đoạn dài 70 km từ cửa khẩu La Lay về cảng biển Mỹ Thủy.

Băng tải rộng 6 m, vận hành bằng điện, vận tốc đạt 18 km mỗi giờ, đi trên hệ dầm, giàn thép trên cao, băng cắt địa hình, có cầu vượt hoặc hầm xuyên núi nên rút ngắn khoảng cách so với đường bộ. Băng tải thiết kế kín, vận hành đơn giản, đảm bảo môi trường, tiếng ồn, phòng cháy. Thời gian xây dựng khoảng hai năm, dự kiến vận hành cuối năm 2026.

Ông Năng cho hay đoạn băng tải từ La Lay về Mỹ Thủy có công suất 27 triệu tấn mỗi năm, giúp nhà đầu tư giảm 40% chi phí vận chuyển, từ đó gián tiếp giảm giá than đá.

Song song với băng tải than, nhà đầu tư đề xuất xây dựng cảng chuyên dụng tại cảng biển Mỹ Thủy, có khả năng chuyển than xuống tàu 50.000 DWT để giải tỏa đầu ra cho than nhập về Việt Nam. Tổng mức đầu tư hai hạng mục là 7.500 tỷ đồng, gồm băng tải 5.000 tỷ, cảng chuyên dụng 2.500 tỷ.

Dự án sẽ giúp ngân sách Quảng Trị thu 4.800 tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng.

a-so-do-bang-tai-than-copy-6753-1686290197.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fXfHJz5FZgkk0EbrPJvVwg

Sơ đồ băng tải than từ tỉnh Sekong (Lào) về cảng biển theo đề xuất của nhà đầu tư, chia làm ba đoạn. Ảnh: Nhà đầu tư

Hiện nay, nhu cầu than đá của Việt Nam mỗi năm khoảng 97 triệu tấn, dự báo đến 2030 là 127 triệu tấn. Nguồn than đá trong nước đến từ việc khai thác của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, nhập khẩu từ Nga, Australia, Indonesia, Lào... Khối lượng nhập khẩu khoảng 80 triệu tấn mỗi năm và ngày càng tăng.

Hiện mỏ than ở Sekong có trữ lượng một tỷ tấn, được Chính phủ Lào cho phép xuất khẩu 250 triệu tấn và có thể tăng thêm 250 triệu tấn. Sản lượng khai thác 30 triệu tấn mỗi năm. Các nhà đầu tư đã ký hợp đồng khai thác than với chủ mỏ ở Lào, có trữ lượng dồi dào và ổn định.

Việc vận chuyển than bằng đường bộ từ tỉnh Sekong (Lào) qua cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển là ngắn nhất. Tuy nhiên, công suất vận chuyển đường bộ tối đa khoảng 3 triệu tấn mỗi năm, chưa đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư. Vận chuyển đường bộ cũng gặp nhiều khó khăn, thường xuyên xảy ra ùn tắc tại khu vực cửa khẩu, dọc quốc lộ 15D, đường Hồ Chí Minh, nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường bộ, mất an toàn giao thông.

Từ thực trạng đó, liên danh Công ty Central Capital và Xekong Power Plant (Lào) đề xuất xây dựng băng tải than từ Lào về cảng biển Việt Nam. Trong tháng 5, Ủy ban Biên giới hai quốc gia Việt Nam và Lào đã khảo sát thực địa và đồng ý về chủ trương xây dựng băng tải.

Hoàng Táo

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022